Bổ sung các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: NGỌC TUẤN

Sáng 27/10, theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) có bài phát biểu xung quanh vấn đề các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phú Yên Online trích đăng ý kiến phát biểu này:

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự thống nhất với báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nỗ lực phục hồi, phát triển sau đại dịch. Tuy nhiên, có một vấn đề đó là thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2022 của nước ta ước tính hơn 6.600 tỉ đồng, gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm trước…

Từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2008), đến nay đã xây dựng được gần 400 hành động, chính sách liên quan và hàng loạt công trình hạ tầng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều nội dung về biến đổi khí hậu được thể chế hóa thông qua các luật, nghị quyết, đề án, chương trình… trong đó, đáng lưu ý nhất là Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020.

Giai đoạn 2021 trở đi, trước yêu cầu thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với thế giới về biến đổi khí hậu, trước diễn biến ngày càng khốc liệt của các hiện tượng khí hậu cực đoan, đòi hỏi chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để thích ứng tốt nhất, giảm thiểu nhiều nhất các thiệt hại của biến đổi khí hậu, trong đó tôi thấy cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, rừng là phương tiện để gia tăng các biện pháp thích ứng, góp phần phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ hệ thực vật, dòng chảy và đất, giảm tác động của lũ lụt và xói mòn, nhưng rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu. Mặc dù độ che phủ rừng được duy trì ổn định, nhưng suy thoái rừng - suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng. Chúng ta hiểu thuật ngữ “rừng” phần nhiều theo nghĩa là một trảng cây chứ chưa quan tâm đầy đủ đến bản chất yếu tố hệ sinh thái, điều đó lý giải vì sao rừng vẫn có nhưng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vẫn xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn.

Phần lớn các tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng cao là những tỉnh ở vùng miền núi, nơi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nghịch lý là nơi nào rừng càng nhiều thì tỉ lệ hộ nghèo lại cao, điều này được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra từ những kỳ họp trước. Chẳng hạn, với định mức giao khoán bảo vệ rừng hiện nay thì chỉ ở mức tối đa là 400.000 đồng/ha thì rất thấp, không đủ để thu hút cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng. Việc khai thác, sinh kế từ rừng còn thấp và khai thác rừng chưa bền vững, ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ và tăng chất lượng rừng. Cách trồng rừng độc canh rồi khai thác sớm như hiện nay không tạo ra được sự liên kết hệ sinh thái, làm mất khả năng giữ đất, giữ nước. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rừng, cảnh báo thiên tai còn chậm, chưa huy động được nguồn lực khoa học công nghệ dồi dào…

Thứ hai, nguồn tài chính huy động cho hoạt động thích ứng, giảm thiểu còn hạn chế, tập trung chủ yếu là ngân sách nhà nước, khu vực tư nhân chưa sẵn sàng tham gia và thiếu cơ chế để tham gia. Doanh nghiệp còn thiếu nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu và đầu tư công nghệ sạch hơn, dẫn đến có khả năng giảm tính cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu đang ngày càng sạch hơn. Việc tiết kiệm chuyển đổi năng lượng còn nhiều vướng mắc về chính sách và tổ chức thực hiện.

Để góp phần thúc đẩy các mục tiêu về biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động do thời tiết cực đoan gây ra, tôi kiến nghị: Để rừng trở thành lá chắn biến đổi khí hậu, trước mắt là thay đổi ngay các định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu thu nhập cơ bản của người dân, cộng đồng; điều chỉnh, bổ sung các chính sách trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển hệ sinh thái rừng, làm kinh tế dưới tán rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và khai thác rừng bền vững, hạn chế thấp nhất việc khai thác trắng, khai thác sớm để cây đủ sức giữ đất, giữ nước, bên cạnh đó là tăng giá trị gỗ; cơ cấu lại tỉ lệ phân bổ ngân sách có tính đến yếu tố tỉ lệ che phủ rừng, diện tích rừng, để các địa phương không phải chịu áp lực phát triển kinh tế dẫn đến chuyển đổi rừng, khai thác rừng sớm.

Thúc đẩy việc thu hút các nguồn tài chính, gia tăng sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tài chính công phải đóng vai trò chất xúc tác và khu vực tư nhân là nòng cốt. Việt Nam đã phát hành 564 triệu USD trái phiếu xanh và các khoản vay tín dụng xanh, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2015, nền kinh tế còn nhiều tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực này nên cần tiếp tục mở rộng hơn nữa. Thị trường trao đổi carbon cần được thúc đẩy chính thức vận hành sớm trước năm 2025 thay vì đến năm 2028. Hình thành Quỹ biến đổi khí hậu để chủ động nguồn tài chính cung cấp cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu như một số quốc gia Thái Lan, Trung Quốc đã thực hiện.

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn, kèm theo các chế tài, nhằm ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, cảnh báo thiên tai như bảo vệ rừng, cảnh báo cháy rừng, cảnh báo sạt lở đất, giám sát môi trường… để hạn chế những thiệt hại như trong thời gian vừa qua.

Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần tận dụng ngay để thế hệ tiếp theo của chúng ta không phải tiếp tục ghi nhận những con số gia tăng về thiệt hại do thiên tai như năm nay.

NGỌC TUẤN (ghi)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/288543/bo-sung-cac-chinh-sach-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau.html