Bổ sung đối tượng thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chiều nay (25/5), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình).

Đại biểu thông tin, qua thực tế tham gia giám sát việc triển khai Chương trình tại các địa phương cho thấy, một số đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, trường phổ thông dân tộc nội trú, một số thiết chế lịch sử, văn hóa tiêu biểu, y tế tuyến huyện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình như phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số... còn rất nhiều khó khăn, cần có sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nêu trên chưa được quy định rõ tại chủ trương đầu tư Chương trình do có trụ sở đóng ngoài địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dẫn đến một số khó khăn trong bố trí vốn. Do đó, việc bổ sung các đối tượng là đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc, các trường dân tộc nội trú, một số di tích quốc gia, trung tâm y tế có trụ sở đóng ngoài địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cần thiết. Đại biểu cũng nhất trí với danh mục và dự kiến tổng mức đầu tư đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nói trên khoảng 4.142,805 tỷ đồng.

Về điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình, đại biểu nhất trí với đề nghị của Chính phủ, theo đó nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội và các quy định hiện hành.

“Tôi cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình và phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình ở mức cao nhất theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội” - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội nêu ý kiến.

Để việc điều chỉnh chủ trương Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sớm đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo đề xuất của Hội đồng Dân tộc vì nội dung điều chỉnh là không lớn. Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo, triển khai thực hiện bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu chương trình theo Nghị quyết 120/2020/QH14 và không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết định trong giaiđoạn 2021-2025.

Về kết quả giải ngân vốn của Chương trình, theo Tờ trình của Chính phủ kết quả gỉai ngân vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) mới chỉ đạt 77% kế hoạch; vốn sự nghiệp (bao gồm cả vốn sự nghiệp của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 28% kế hoạch; 3 tháng đầu năm 2024 vốn đầu tư công giải ngân đạt 14% kế hoạch và vốn sự nghiệp mới chỉ giải ngân được 1% kế hoạch. Ước thực hiện đến hết tháng 4 năm 2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của Chương trình ước đạt 21% kế hoạch.

Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, theo đại biểu, cần phải phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, nhất là khi các chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia là nhằm chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, nguồn nước và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ gìn tấc đất biên cương của tổ quốc, phát triển kinh tế biên mậu, là cửa ngõ giao thương với các nước láng giềng ở những địa bàn khó khăn.

Từ thực tế nắm bắt tình hình ở cơ sở, đại biểu nhận thấy còn vấn đề về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giải quyết thấu đáo, trong khi một số định mức khá lạc hậu với mặt bằng giá cả, chưa phù hợp với yếu tố vùng miền mà các địa phương đã nhiều lần kiến nghị. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa vấn đề này.

Mai Hồng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/215469/bo-sung-doi-tuong-thu-huong-chuong-trinh-mtqg-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui