Bổ sung kali cho cơ thể như thế nào là vừa đủ?

Kali là khoáng chất quen thuộc và cần thiết cho sức khỏe, giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng và giữ cho bộ não, dây thần kinh, tim và cơ hoạt động bình thường. Tất cả mọi người nên bổ sung đủ Kali mỗi ngày. Vậy bổ sung kali cho cơ thể như thế nào là vừa đủ?

1. Kali có vai trò như thế nào trong cơ thể

Kali giúp cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, duy trì hoạt động thể chất, đặc biệt là tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu.

Chế độ ăn giàu kali giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ lên cơn đau tim, cải thiện mức sử dụng insulin trong cơ thể, giảm chứng loạn nhịp tim, cải thiện trầm cảm và chứng biếng ăn.

Ngoài ra, Kali giúp sản sinh Protein từ các Axit Amin và biến đổi Glucose thành Glycogen - Nguồn năng lượng cho mọi vận động của cơ thể.

Ở độ tuổi đang phát triển và phụ nữ mang thai rất cần chế độ ăn giàu Kali giúp xây dựng hệ thống xương vững chắc và cơ bắp phát triển.

Kali còn giúp ngăn chặn tình trạng loãng xương ở người cao tuổi.

(Ảnh minh họa: internet)

2. Bổ sung kali cho từng đối tượng như thế nào là vừa đủ?

Cơ thể con người hấp thu Kali chủ yếu thông qua ăn uống hàng ngày. Lượng Kali dư thừa sẽ được đào thải qua nước tiểu và mồ hôi.

Đối với người lớn

Kali giữ cho nhịp tim điều hòa, ổn định. Khẩu phần ăn giàu Kali cũng làm giảm lượng cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Kali có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, Kali còn hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất đạm và chất đường bột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, kích thích sự phát triển của hệ cơ bắp và hệ thần kinh.

Đối với phụ nữ mang thai

Kali giúp cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể. Mẹ bầu cần bổ sung Kali để ổn định huyết áp.

Kali còn làm giảm hiện tượng chuột rút ở chân. Phụ nữ mang thai cần khoảng 4,7 g Kali mỗi ngày.

Đối với trẻ em

Kali cần thiết cho sự phát triển cơ bắp và não bộ ở trẻ. Trẻ em ở độ tuổi đi học thường hay bị thiếu hụt Kali.

Kali giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, sỏi thận cho trẻ trong tương lai.

Lượng Kali trẻ cần thay đổi theo độ tuổi. Mỗi ngày, trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần khoảng 3 g Kali, trẻ từ 4 đến 8 tuổi cần khoảng 3,8 g Kali.

3. Những lưu ý khi bổ sung kali

Một số rủi ro có thể xảy ra khi bạn bổ sung hàm lượng kali không hợp lý, chẳng hạn như:

- Ở liều cao, kali có thể gây nguy hiểm. Không nên dùng chất bổ sung kali mà không có sự tư vấn của bác sĩ.

- Ở liều bình thường, kali khá an toàn. Nó có thể gây khó chịu cho dạ dày . Một số người có thể bị dị ứng với chất bổ sung kali.

- Những người mắc bệnh thận, bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh Addison, loét dạ dày, hoặc các vấn đề sức khỏe khác, không nên uống bổ sung kali khi chưa được bác sĩ chỉ định.

- Sử dụng quá liều: các dấu hiệu do bổ sung quá liều kali bao gồm yếu cơ hoặc tê liệt, nhịp tim không đều, nhầm lẫn, cảm giác ngứa ran ở tay chân, huyết áp thấp và hôn mê.

- Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra là : yếu cơ hoặc tê liệt, rối loạn nhịp tim.

DL (t/h)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-sung-kali-cho-co-the-nhu-the-nao-la-vua-du-post188436.html