Bổ sung quy định về nghiêm cấm mua bán bào thai

Sáng 28/8, Hôịi nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) lần này. Đây là Dự Luật quan trọng, có nhiều chính sách mới liên quan đến việc xác định hành vi mua bán người, việc tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng; đồng thời có nhiều nội dung nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật lần này được Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu đề nghị của đại biểu Quốc hội và bổ sung tại khoản 2, Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Trong thảo luận, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, tham khảo chi tiết các luật liên quan để thống nhất trong triển khai thi hành.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông), tại Khoản 22, Điều 3 giải thích từ ngữ của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Như vậy, vẫn có trường hợp mua bán bào thai được pháp luật công nhận.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Từ đó, đại biểu đề nghị, có thể quy định tại Khoản 2, Điều 3 cụ thể hơn, mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai mà không được sự đồng ý của người mẹ hoặc mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai, trừ trường hợp quy định tại Khoản 22, Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Cũng liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 3 của Dự Luật, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, Điều 3 đã liệt kê chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người, tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả và tính răn đe của pháp luật, cần bổ sung một số quy định vào dự thảo Luật. Cụ thể, bên cạnh các hành vi mua bán người và mua bán bào thai đã được quy định, cần bổ sung các quy định cấm việc “gây quỹ” hoặc “tài trợ” cho các hành vi mua bán người nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho các hoạt động phạm pháp này.

Ngoài việc cấm cưỡng bức và môi giới, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, cần xem xét bổ sung các quy định ngăn chặn việc “hợp pháp hóa” hoặc “che đậy” các hành vi này qua các kênh hợp pháp như môi giới hôn nhân quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Cùng với đó, quy định hiện tại về đe dọa và trả thù đã rất rõ ràng, nhưng cần mở rộng để bảo vệ “các tổ chức hỗ trợ nạn nhân” và “các tổ chức bảo vệ quyền con người” khỏi bị đe dọa hoặc trả thù, đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho các cá nhân và tổ chức đang làm việc trong lĩnh vực này.

Ngoài các hành vi lợi dụng phòng, chống mua bán người để trục lợi đã được quy định, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm các biện pháp ngăn chặn việc lợi dụng các chương trình quốc tế hoặc quỹ viện trợ để trục lợi cá nhân….

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn tỉnh Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn tỉnh Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Về nguyên tắc phòng, chống mua bán người, có quy định, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là trung tâm bảo đảm bình đẳng giới. Các đại biểu cho rằng, cần quy định bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân thay vì từ “trung tâm”, bởi người đang trong quá trình xác định là nạn nhân chưa chắc đã là nạn nhân.

Bởi thực tế có trường hợp cố ý vượt biên trái phép để làm các công việc theo chủ định của cá nhân nhưng kết quả không như mong muốn nên báo tin bị bắt cóc, lừa gạt sang biên giới… để được nhận trợ giúp. Vì vậy, khi xác minh hoàn thành, ngoài việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp cũng phải tách bạch, xử lý hành vi vi phạm trước đó hoặc áp dụng phương pháp hỗ trợ khác.

PV

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-sung-quy-dinh-ve-nghiem-cam-mua-ban-bao-thai.html