Bổ sung tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng nhà giáo: Tránh chồng chéo
Nếu bổ sung tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng vào dự thảo Luật Nhà giáo thì cần tính toán kỹ để tránh chồng chéo với các quy định liên quan khác...
Quy định hiện hành đã có
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, giáo dục có vai trò quan trọng, nhà giáo đóng vai trò trung tâm. Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ là đạo đức mà còn về phẩm chất, tư tưởng chính trị. Đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị tư tưởng vào khoản 1 Điều 14. Nếu chỉ đưa tiêu chuẩn về đạo đức thì chưa bao hàm hết phẩm chất tư tưởng chính trị của nhà giáo.
Tiêu chuẩn chính trị tư tưởng là yêu cầu quan trọng đối với nhà giáo bên cạnh các tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn. Nêu quan điểm, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng, những tiêu chuẩn này đóng vai trò nền tảng, định hướng cho hành động và tư duy của người thầy, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.
Những tư tưởng chính trị cơ bản của nhà giáo thể hiện ở việc có niềm tin vững chắc vào đường lối của Đảng, dân tộc; là người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, các quy định của nhà trường; giữ vững lập trường trước những quan điểm sai trái, tiêu cực; có ý thức trách nhiệm với công việc, xã hội; không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ lý luận chính trị của mình.
“Hiện ngành Giáo dục thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó có cả tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng nên chưa cần thiết phải ban hành thêm văn bản mới liên quan đến vấn đề này. Giáo dục là ngành đặc thù, công việc của nhà giáo rất vất vả. Lãnh đạo các cấp cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi, tạo động lực cho thầy cô yên tâm cống hiến với nghề”, cô Hằng Hải nhìn nhận.
Dưới góc độ quản lý, cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, ở bất cứ cơ quan Nhà nước nào cũng có quy định về văn hóa ứng xử tại đơn vị. Các cơ sở giáo dục đều có nội quy bao gồm về phẩm chất chính trị, đạo đức của nhà giáo; quy định rõ cách ứng xử của thầy cô với cấp trên, đồng nghiệp, học sinh, người dân hay cha mẹ học sinh.
Việc đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 1841 ngày 28/10/2021 của Thành ủy Hà Nội đã đề cập rành mạch về nhóm tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật.
Cụ thể gồm: Chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu về đạo đức, lối sống, không tham ô, quan liêu, lãng phí; tác phong, lề lối làm việc chuẩn mực, tận tụy, năng động; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ; chấp hành sự phân công, chỉ đạo của tổ chức, thực hiện tốt nội quy cơ quan…
“Tôi cho rằng, chúng ta đã có hướng dẫn triển khai từ nhiều năm nay nên không nhất thiết phải ban hành thêm quy định liên quan đến tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Điều căn cốt là bàn các giải pháp để luật hóa những điều lệ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đội ngũ nhà giáo”, cô Vân Hồng bày tỏ quan điểm.
Cần nhìn nhận thấu đáo
Còn theo cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), nếu bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào dự thảo Luật Nhà giáo liệu có trùng lặp với quy định về việc xét kết nạp vào Đảng với giáo viên hay không?
Nếu chỉ nói về xét tuyển và tuyển dụng viên chức thì nội dung đạo đức nhà giáo đã bao hàm khá đầy đủ. Còn khái niệm về phẩm chất chính trị, tư tưởng có độ phủ cao hơn, tức những người đó phải thực sự có độ chín chắn và mục tiêu phấn đấu để sẵn sàng đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Từ thực tế công tác, cô Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) nhìn nhận, quy định về tiêu chuẩn chính trị, tư tưởng của thầy cô trong dự thảo Luật Nhà giáo rất quan trọng và cần thiết.
Nhà giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn định hướng tư tưởng, nhân cách cho học sinh. Do đó, tư tưởng chính trị đúng đắn là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc giáo dục hướng tới mục tiêu xây dựng con người phát triển toàn diện. Tư tưởng chính trị thống nhất trong đội ngũ nhà giáo góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhà trường và môi trường giáo dục lành mạnh.
Hiện một bộ phận thầy cô chỉ chú trọng bồi dưỡng chuyên môn để đứng lớp chứ ít quan tâm đến việc rèn luyện chính trị, tư tưởng. Điều này ảnh hưởng lớn đến lối sống và ứng xử của các nhà giáo đối với cấp trên, đối với tập thể và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chưa thực sự đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu.
Cô Bình nhìn nhận, phẩm chất về chính trị, tư tưởng yêu cầu cao hơn đạo đức nhà giáo vì nó bao gồm cả trách nhiệm, nghĩa vụ của các thầy cô đối với tập thể, quốc gia và dân tộc chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường hay học sinh, đồng nghiệp.
Một số thầy cô còn nhận thức hạn chế về chính trị, lơ là thậm chí có tư tưởng và nhận thức chưa đúng về vai trò của mình trong việc cống hiến, góp phần xây dựng nhà trường, quê hương, đất nước mà chỉ dạy học sinh hiểu kiến thức sách giáo khoa là tự cho mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
“Trong thời đại ngày nay, vai trò của nhà giáo càng trở nên quan trọng. Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất chính trị, tư tưởng tốt là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước cũng như của ngành Giáo dục và đào tạo”, cô Tạ Thị Thanh Bình nhấn mạnh.