Bộ Tài chính tập trung triển khai nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tiền tệ; có giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Tính đến hết tháng 9/2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất năm 2022; Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH ngày 14/6/2022 về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; Phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Trong đó, bổ sung 240 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và 6,6 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội...
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu. Nhờ đó, lũy kế thu 9 tháng năm 2022 ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm 2021. Đến hết tháng 9/2022, có 05 khoản thu vượt dự toán là khoản thuế thu nhập cá nhân (đạt 108,8%), các khoản thu về nhà, đất (đạt 118,4%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 104,2%), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 113,3%) và thu khác ngân sách (đạt 116,2%)...
Bộ Tài chính cũng triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Số liệu cho thấy, lũy kế chi 9 tháng ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 253,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 72,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 758,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán.
Các nhiệm vụ chi NSNN được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN. Đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, bảo đảm trong giới hạn theo quy định và khả năng trả nợ.
Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá và đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, với mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 trong khoảng 4%.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến về cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương về phương án giá một số sản phẩm, dịch vụ công Nhà nước đặt hàng; thẩm định phương án giá mua, bán; chi phí nhập, chi xuất, bảo quản hàng hóa nông nghiệp thuộc danh mục hàng Dự trữ quốc gia và hàng hóa Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch... Về phối hợp công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, qua nắm bắt tình hình giá xăng dầu thế giới, diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021...
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Trong 9 tháng năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 304 quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là 23,859 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Cùng với đó, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả ngay sau khi Nghị định này được ban hành nhằm giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn, để những doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả trên thị trường.