Bộ Tài nguyên đề xuất sửa đổi phương pháp định giá đất, điều chỉnh bảng giá đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 36 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác định giá đất.
Bộc lộ hạn chế
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất đã quy định 5 phương pháp định giá đất, gồm: so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất và điều kiện áp dụng 5 phương pháp này. Thông tư số 36 quy định chi tiết phương pháp định giá đất, trình tự thủ tục xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác định giá đất tại địa phương. Công tác xác định giá đất cụ thể cũng đã được các tỉnh, thành phố quan tâm tổ chức thực hiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu; về cơ bản đã được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), kết quả xác định phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình phát triển của nền kinh tế tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển, công tác định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời, chưa có cơ chế, nguồn lực để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá đất phổ biến trên thị trường, đảm bảo việc định giá phù hợp với giá thị trường. Việc áp dụng các phương pháp định giá đất tại một số địa phương đã bộc lộ hạn chế cần được tháo gỡ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 36 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác định giá đất là cần thiết.
Sửa đổi quy định phương pháp định giá đất
Tại dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 36 theo hướng: Quy định cụ thể về nguồn thu thập thông tin giá đất các thửa đất so sánh đối với giá đất trúng đấu giá, giá đất ghi trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giá đất thị trường trên cơ sở dữ liệu về đất đai.
Đồng thời, bỏ quy định về giao dịch thành công trên thị trường và việc thu thập thông tin thông qua phỏng vấn trực tiếp; quy định cụ thể về phạm vi thu thập thông tin trong trường hợp khu vực định giá không thu thập được đầy đủ thông tin;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định cụ thể bảng tỷ lệ điều chỉnh các yếu tố khác biệt của các thửa đất so sánh với thửa đất cần định giá.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư số 36 theo hướng, quy định cụ thể về thời gian để tính thu nhập bình quân một năm của thửa đất cần định giá đối với đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Quy định cụ thể đối với trường hợp thông tin để xác định thu nhập bình quân một năm của thửa đất cần định giá không đầy đủ thu nhập theo từng năm, không phản ánh đúng thu nhập thực tế từ việc sử dụng đất đối với đất nông nghiệp và phi nông nghiệp...
Chặn nguy cơ thông đồng khi thẩm định giá đất
Liên quan đến phương pháp định giá đất, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) mới đây có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên Môi trường góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo đó, HoREA kiến nghị cần có biện pháp chống thông đồng, dàn xếp giá đất khi thẩm định giá. Cụ thể, HoREA đề nghị xác định nguyên tắc định giá đất theo nguyên tắc thị trường thay vì quy định nguyên tắc phương pháp định giá đất theo thị trường và bổ sung căn cứ vị trí của thửa đất, khu đất đưa ra định giá. Đồng thời, đề nghị xây dựng hoàn thiện nguyên tắc bảo đảm tính độc lập giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với doanh nghiệp thẩm định giá, chuyên gia phản biện và Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Hội đồng thẩm định giá đất và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất. Qua đó, nhằm phòng, chống thông đồng, dàn xếp giá có thể làm thất thu ngân sách Nhà nước.