Bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có doanh thu lớn: Bước đệm cho chiến lược dài hạn

Mới đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung quán triệt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả về hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Trong đó, nhấn mạnh việc xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm… để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Ngọc Chi, chủ tiệm tạp hóa số 39, P. Phước Long A, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), cho biết, hiện doanh thu tiệm tạp hóa của gia đình hơn 100 triệu đồng/tháng (tương đương tầm 1,2 - 1,3 tỷ đồng/năm), với thuế khoán trên 4 triệu đồng/tháng. Mới đây, chị được cơ quan thuế phổ biến về quy định mới, thay đổi hình thức từ nộp thuế khoán sang sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế.

Tương tự, nhiều hộ kinh doanh gia đình có quy mô trung bình, với doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm tại khu vực TP. Thủ Đức những ngày qua đã liên tục được cập nhật thông tin mới đối với việc thay đổi hình thức nộp thuế khoán sang hình thức tự khai, tự nộp, với ứng dụng hỗ trợ công nghệ số. Mặc dù đa phần những hộ kinh doanh này đều ủng hộ và hy vọng thay đổi sẽ giúp cho việc quản lý thu chi, hạch toán kinh doanh thuận lợi hơn, nhưng cũng có không ít lo ngại điều này làm gia tăng gánh nặng chi phí, khó khăn khi tiếp cận và ứng dụng công nghệ.

Theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai thuế theo hình thức khoán là 1.975.373 hộ và có 6.142 hộ nộp thuế theo hình thức kê khai. Sắp tới, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được đưa thêm vào quản lý thuế theo hình thức kê khai thông qua triển khai bản đồ số hộ kinh doanh là 61.329 hộ.

Ông Nguyễn Ngọc Tịnh, Phó Chủ tịch, Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế dành cho các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm, thuộc 6 nhóm ngành nghề là hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải, vui chơi, giải trí… theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày 1/6/2025. Đây là bước tiến tất yếu giúp hộ kinh doanh minh bạch hóa giao dịch, thuận tiện quản lý và quan trọng nhất là nâng cao uy tín, tạo điều kiện mở rộng thị trường trong tương lai.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 200.000 hộ kinh doanh, chưa tính hộ cho thuê nhà. Trong đó, khoảng 13.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, thuộc các đối tượng trên.

Hộ kinh doanh sẽ dần chuyển sang phương pháp kê khai thuế, đúng theo nguyên tắc “tự khai - tự nộp”, phản ánh sát thực doanh thu

Hộ kinh doanh sẽ dần chuyển sang phương pháp kê khai thuế, đúng theo nguyên tắc “tự khai - tự nộp”, phản ánh sát thực doanh thu

Theo các chuyên gia, từ trước đến nay, phần lớn hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp thuế khoán, tức là cơ quan thuế sẽ ấn định những mức doanh thu cho cả năm và hộ kinh doanh nộp thuế dựa trên mức này. Tuy nhiên, hình thức đó đã bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu tính minh bạch do hộ kinh doanh có thể khai báo thấp hơn doanh thu thực tế nhằm giảm mức thuế phải nộp. Ngoài ra, hình thức thuế khoán cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý và giám sát doanh thu thực tế, dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước và gây ra sự thiếu công bằng giữa các hộ kinh doanh. Có những trường hợp hộ kinh doanh có doanh thu thực tế cao nhưng vẫn nộp thuế ít hơn so với hộ khác có doanh thu thấp hơn nhưng bị áp mức khoán cao hơn...

Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA nhấn mạnh, việc tuân thủ quy định về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Hiện nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ thuế, tiếp tục duy trì tâm lý kinh doanh nhỏ lẻ, không xuất hóa đơn và thiếu bộ phận kế toán chuyên trách. Họ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận phần mềm hóa đơn điện tử, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và người lớn tuổi. Việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ là việc áp dụng công nghệ vào quản lý thuế, mà còn là bước đệm cho định hướng dài hạn, khi toàn bộ hộ kinh doanh sẽ dần chuyển sang phương pháp kê khai thuế, đúng theo nguyên tắc “tự khai - tự nộp”, phản ánh sát thực doanh thu, hạn chế gian lận và bất cập từ cơ chế khoán.

Bàn về vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, Nghị định 70/2025/NĐ-CP được xem là bước ngoặt quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, không chỉ nâng cao hiệu quả thu ngân sách mà còn thúc đẩy quá trình số hóa, minh bạch và bình đẳng môi trường kinh doanh trong khu vực kinh tế cá thể. Đây cũng là bước chuyển quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, mở rộng quy mô, từng bước chuyển đổi từ mô hình kinh doanh hộ gia đình lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Vì vậy, các hộ kinh doanh cần có sự chuẩn bị chu đáo cho sự thay đổi này để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tuân thủ pháp lý và theo kịp xu thế chung của xã hội.

Thanh Tuyết

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bo-thue-khoan-doi-voi-ho-kinh-doanh-co-doanh-thu-lon-buoc-dem-cho-chien-luoc-dai-han-163920.html