Từ 1/7, vay tiền qua app phải kiểm tra CIC, người dùng cần làm gì?

Từ ngày 1/7/2025, người vay tiền qua app bắt buộc phải được kiểm tra tín dụng trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC), nhằm siết chặt tình trạng vay chồng chéo, ngăn người có lịch sử nợ xấu tiếp cận khoản vay mới, đồng thời yêu cầu minh bạch tài khoản giao dịch.

Ngăn chặn vay chồng chéo, siết tín dụng tiêu dùng rủi ro cao

Từ ngày 1/7/2025, người vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến sẽ phải tuân thủ loạt quy định chặt chẽ mới theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ về thử nghiệm cơ chế cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc các nền tảng cho vay buộc phải khai thác và báo cáo thông tin tín dụng của người vay lên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).

Theo đó, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cung cấp dịch vụ P2P Lending phải kết nối trực tiếp với hệ thống của CIC để kiểm tra, đánh giá và xác định hạn mức dư nợ tối đa cho từng người vay. Thông tin này sẽ giúp các nền tảng phát hiện và từ chối các khoản vay vượt ngưỡng tín dụng cá nhân cho phép hoặc được thực hiện bởi những người có lịch sử tín dụng xấu.

Trước đây, nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận cùng lúc nhiều ứng dụng vay tiền, dẫn tới tình trạng "vay chồng vay đè" gây áp lực tài chính, dễ dẫn đến vỡ nợ. Tuy nhiên, với cơ chế kết nối CIC bắt buộc từ 1/7, người vay có nhiều khoản nợ cùng lúc hoặc đã bị xếp hạng tín dụng xấu (từ nhóm 2 trở lên) sẽ khó có cơ hội tiếp cận khoản vay mới.

Ngoài ra, toàn bộ quy trình giải ngân, thanh toán lãi, phí dịch vụ trong mô hình P2P cũng sẽ phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử đứng tên chính chủ người vay. Việc sử dụng tài khoản của người khác hay giao dịch chuyển tiền không rõ ràng sẽ không được chấp nhận, nhằm tăng tính minh bạch và truy xuất nguồn tiền trong hoạt động cho vay.

Từ 1/7/2025, vay tiền qua app phải kiểm tra CIC

Từ 1/7/2025, vay tiền qua app phải kiểm tra CIC

(Ảnh minh họa)

CIC là gì và ảnh hưởng thế nào đến người vay?

CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam) là cơ quan duy nhất tại Việt Nam lưu trữ và cung cấp dữ liệu lịch sử tín dụng của cá nhân và tổ chức, bao gồm: Số lượng khoản vay đang có; Số nợ gốc và lãi; Lịch sử trả nợ đúng hạn hoặc trễ hạn; Xếp hạng tín dụng theo 5 nhóm (nhóm 1 là tốt nhất, nhóm 5 là xấu nhất).

Với dữ liệu này, các app vay tiền có thể nhanh chóng xác định tình trạng tín dụng của người vay, giảm rủi ro cho hệ thống tài chính tiêu dùng và bảo vệ người vay khỏi bẫy nợ chồng chất.

Để tránh bị từ chối vay từ các app tài chính sau ngày 1/7, người dùng nên chủ động kiểm tra tình trạng tín dụng cá nhân của mình. Trung tâm CIC hiện đã phát triển ứng dụng “CIC Credit Connect” chính thức, có mặt trên cả App Store (iOS) và Google Play (Android).

Các bước kiểm tra CIC:

Bước 1. Tải ứng dụng “CIC Credit Connect”, do CIC trực tiếp phát triển.

Bước 2. Đăng ký tài khoản bằng CCCD/CMND, số điện thoại và email, xác thực khuôn mặt qua eKYC.

Bước 3. Tra cứu báo cáo tín dụng để xem nhóm nợ, lịch sử trả nợ và các khoản vay đang tồn tại.

Bước 4. Xử lý nợ xấu nếu có: Người dùng cần thanh toán đầy đủ các khoản nợ quá hạn, sau đó chờ hệ thống CIC cập nhật dữ liệu (thường trong 30–60 ngày) trước khi đăng ký khoản vay mới.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/tu-17-vay-tien-qua-app-phai-kiem-tra-cic-nguoi-dung-can-lam-gi-142066.html