'Làm việc ngày đêm' thể chế hóa nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) thông tin, hai tháng vừa qua, đội ngũ gần như làm việc không nghỉ, ngày đêm triển khai các nội dung lớn để thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Chiều 9/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay".

Bức tường được phá

Trao đổi tại tọa đàm, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, khi tham gia xây dựng Nghị quyết 68, rất lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ sẽ không được chấp thuận. Nhưng, sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ nam, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho đội ngũ soạn thảo.

"Có thể khẳng định, nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước. Ví dụ như về điều kiện kinh doanh – một "bức tường" rất khó tháo gỡ – thì nay nghị quyết nêu rõ: chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng", bà Thủy nói.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP.

Cũng theo bà Thủy, một điểm rất quan trọng trong nghị quyết, là vấn đề niềm tin. Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân. Trước đây, trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. Có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn.

"Nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi tin rằng việc thực thi sẽ là yếu tố quyết định thành công", bà Thủy nêu.

Về lý do Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả – vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài, theo bà Thủy, hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng hơn 20% GDP; khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng tương đương. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước chiếm hơn 50%. Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và xa hơn là tăng trưởng hai con số, vai trò của kinh tế tư nhân là cực kỳ quan trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, dịch chuyển chuỗi cung ứng, thuế tối thiểu toàn cầu..., khu vực FDI cũng cần thận trọng. Doanh nghiệp nhà nước đang được tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu. Vì vậy, nếu muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn, khu vực tư nhân vô cùng quan trọng.

Tinh giảm luật, tách bạch trách nhiệm

Đại biểu Quốc hội - chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, đã nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 68, trong đó toát lên 3 "tinh thần".

Thứ nhất, ông Hiếu nhấn mạnh, trong nghị quyết nổi lên những từ ngữ rất mạnh là "bãi bỏ", "cắt giảm". Có nghĩa là phải bỏ, phải cắt đi. Ví dụ, một quy định không tốt, không phải là chúng ta sửa để cho nó tốt hơn một chút mà thấy không tốt thì bãi bỏ.

"Tinh thần này rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước", ông Hiếu nhìn nhận. Cũng theo ông Hiếu, không phải chỉ thủ tục hành chính, nếu như luật nào, nghị định nào không còn cần thiết thì phải bãi bỏ cả đạo luật, cả nghị định. Đó là tinh giảm luật lệ.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: VGP.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: VGP.

Vấn đề thứ hai, là câu chuyện thực thi pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp thì dùng những biện pháp phù hợp với tính chất của vụ việc kinh tế. Xử lý vụ việc mang tính chất kinh tế, hành chính phải tách bạch với hình sự. Khi xử lý phải tách bạch giữa tài sản, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Vấn đề nữa là trong cải cách thể chế. Nếu bỏ quy định, luật lệ, nhiều người sẽ hỏi, vậy quản lý nhà nước bằng gì?. Nghị quyết 68 nhấn mạnh thay đổi tư duy quản lý nhà nước, sử dụng những công cụ phù hợp cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

"Công cụ quản lý nhà nước hiệu quả đã được chứng minh là gì? Đó là không phải ngồi ở bàn giấy cấp ra một giấy phép, chứng nhận một sản phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vấn đề là phải giám sát sản phẩm được bán ra thị trường. Vậy thay vì chúng ta ngồi bàn giấy cấp giấy phép thì tại sao không dành thời gian đi giám sát và kiểm soát thực sự chất lượng của sản phẩm. Nếu như chúng ta làm như vậy thì tôi nghĩ rằng là một số vụ việc vừa qua cũng có thể tránh được", ông Hiếu phân tích.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh, cơ chế quan trọng nhất đối với thị trường là duy trì trật tự cạnh tranh, xử lý nghiêm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi lạm dụng, chống độc quyền chứ không phải là ban hành quy định để bắt doanh nghiệp phải làm thế này, thế kia.

"Chúng ta phải hiểu tinh thần của nghị quyết là thay đổi toàn diện. Trước đây chúng quản lý bằng mọi giá, tức là đưa ra công cụ quản lý, thậm chí rất tốn kém cho cả xã hội, cho người dân, thì bây giờ phải quản lý bằng cách hiệu quả nhất, không phải quản lý bằng mọi giá", ông Hiếu đánh giá.

Ngày đêm triển khai, nhanh nữa thì càng tốt

Trao đổi thêm quanh vấn đề này, bà Bùi Thu Thủy cho biết, khi xây dựng dự thảo nghị quyết, tư tưởng xuyên suốt là thể chế hóa tối đa. Hiện nay, việc rà soát hơn 200 điều kiện kinh doanh trong Luật Đầu tư, liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là rất cấp thiết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai sớm.

Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, bà Thủy nhấn mạnh, hiện nay, việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối triển khai rất nhanh. "Hai tháng vừa qua, đội ngũ chúng tôi gần như làm việc không nghỉ, ngày đêm triển khai. Đến nay, đã có hai nội dung lớn được thể chế hóa, bao phủ phần lớn nội dung Nghị quyết 68. Quốc hội đã đưa ra khoảng 9 nhóm giải pháp – những nội dung rõ ràng, cụ thể được đưa vào ngay. Trong chương trình hành động, dự kiến có khoảng 50 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành. Phần lớn các nhiệm vụ này sẽ phải hoàn thành trong năm 2025. Những luật chưa trình kịp trong Kỳ họp thứ 9 thì buộc phải trình tại kỳ họp thứ 10. Một số nội dung cần thêm thời gian sẽ được lùi sang năm 2026.

"Nghị quyết có tầm nhìn tới 2045, nhưng tất cả nhiệm vụ chính yếu vẫn được dồn lại trong 2 năm, giống như tinh thần của Nghị quyết 57. Rất ít nhiệm vụ để sang năm 2026. Điều này, theo tôi, rất tốt cho cộng đồng doanh nghiệp. Tất nhiên, nếu làm được nhanh hơn nữa thì càng tốt. Mục tiêu là đến cuối 2025, công tác thể chế phải cơ bản hoàn tất. Giai đoạn 2026–2030 sẽ là giai đoạn khơi thông, phát huy nguồn lực tư nhân để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng 8% và hai con số", bà Thủy nhấn mạnh.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-viec-ngay-dem-the-che-hoa-nghi-quyet-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post1740842.tpo