Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định mô hình giam giữ người chưa thành niên

Với 461/463 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, sáng 30/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Luật gồm 10 chương, 179 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Không mở rộng trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng

Về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) ở Điều 38, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên được áp dụng biện pháp XLCH.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định 14 tội không áp dụng XLCH đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng XLCH đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Khi xét xử người chưa thành niên về những tội này, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, Tòa án có 2 lựa chọn (hoặc là áp dụng hình phạt hoặc là áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo.

Thể chế hóa Chỉ thị số 28 của Bộ Chính trị về "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em", dự thảo luật đã chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp XLCH. Theo đó, khi phạm vào những tội nêu trên, người chưa thành niên vẫn chỉ có thể bị áp dụng hoặc là giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc là hình phạt (giống như quy định BLHS hiện hành) và không được phép áp dụng XLCH ngoài cộng đồng nên không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; nhưng nhân văn hơn hiện hành vì người chưa thành niên sẽ được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng sớm hơn ngay từ giai đoạn điều tra (thay vì phải chờ đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm mới được áp dụng như hiện nay), từ đó, sẽ rút ngắn đáng kể thời hạn tạm giam, hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề.

UBTVQH nhận thấy, nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng XLCH như ý kiến nêu trên thì sẽ làm tăng nặng hơn rất nhiều trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với hiện hành. Như vậy, sẽ không phù hợp với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đặt ra đối với quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm chỉ đạo này, và không bổ sung các trường hợp không được phép XLCH mà gây bất lợi và làm nặng hơn trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với quy định của hiện hành.

ĐBQH biểu quyết thông qua dự án luật.

ĐBQH biểu quyết thông qua dự án luật.

Về áp dụng biện pháp giám sát điện tử (Điều 139), có ý kiến đề nghị rà soát, bảo đảm nguồn lực thực hiện cũng như quy định cụ thể về tổ chức thực hiện biện pháp này. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng Điều 140 của dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm áp dụng thống nhất, hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 178 của dự thảo Luật đã quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp giám sát điện tử kể từ ngày 1/1/2028 (sau hiệu lực chung của luật là 2 năm) để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện.

Tách vụ án hình sự có bị can là người chưa thành niên

Về tách vụ án hình sự (Điều 143), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em", thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo luật đã bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên; trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 và tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp xin ý kiến 5 cơ quan có liên quan về quy định tách vụ án hình sự.

Văn bản tham gia ý kiến của 5 cơ quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, TAND tối cao) đều thống nhất, việc tách vụ án trong trường hợp vụ án có bị can là người chưa thành niên và bị can là người trưởng thành. Đồng thời, TAND tối cao đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án tại giai đoạn điều tra trong luật, mà nên giao cho liên ngành tư pháp Trung ương quy định chi tiết.

Quang cảnh hội trường.

Quang cảnh hội trường.

"Để bảo đảm phù hợp và bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn giải quyết án, tiếp thu ý kiến ĐBQH và ý kiến của các cơ quan tư pháp Trung ương, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định tách vụ án nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ các chính sách nhân văn, tiến bộ đối với người chưa thành niên( đồng thời, không quy định cụ thể trong luật về thời điểm tách vụ án tại giai đoạn điều tra như dự thảo trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, mà giao cho liên ngành tư pháp Trung ương quy định chi tiết việc tách vụ án", bà lý giải.

Về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam (Điều 162), có ý kiến đề nghị chỉ quy định mô hình "phân trại hoặc khu giam giữ riêng trong trại giam cho người chưa thành niên là phạm nhân" để bảo đảm tính khả thi. UBTVQH cho biết, hiện nay, số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước, đáng lưu ý có những trại giam chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân là người chưa thành niên, nên rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng đặt ra.

Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án dành riêng đối với người chưa thành niên nhằm tạo thuận lợi cho công tác giáo dục, phục hồi; vừa có nhiều mô hình để lựa chọn; vừa bảo đảm tính ổn định của luật, tạo cơ sở pháp lý để sau này khi bố trí được nguồn lực sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu về cơ sở giam giữ đối với người chưa thành niên, vừa có thể kế thừa cơ sở vật chất hiện có, tiếp thu một phần ý kiến của Chính phủ và Bộ Công an, UBTVQH đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 162 của dự thảo luật theo hướng quy định 3 mô hình để lựa chọn: Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Việc lựa chọn mô hình nào đã được dự thảo luật giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ tình hình thực tế để quyết định.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-truong-bo-cong-an-bo-truong-bo-quoc-phong-quyet-dinh-mo-hinh-giam-giu-nguoi-chua-thanh-nien-i751886/