Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào
Chiều 20/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Sayasone.
Chiều 20/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phoxay Sayasone.
Cùng tham dự hội đàm có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, và lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Kế hoạch Tài chính, Đảng ủy Bộ; Văn phòng Bộ; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Cục Xuất nhập khẩu; Vụ Dầu khí và than; Viện Nghiên cứu Cơ khí; Vụ Khoa học và Công nghệ; Cục Công nghiệp; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Tổ chức cán bộ; Báo Công Thương; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế
Về phía Lào, cùng tham dự hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone còn có các Thứ trưởng, lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng liên quan...
Tham dự hội đàm còn có đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản của hai nước. Phía Việt Nam đại diện lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tổng Công ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam - CTCP; Ngân hàng Phát triển Việt Nam...
Theo đánh giá, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào trong thời gian qua vẫn phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Trong khi đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản lại là trụ cột quan trọng và việc hợp tác năng lượng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước, qua đó góp phần khắc sâu thêm tình đoàn kết đặc biệt keo sơn giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân 2 nước.
Phát biểu mở đầu hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW.
Cùng đó, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm. Những kết quả trên đã góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, cũng như giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.
Việc Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tổ chức hội đàm hôm nay đã khẳng định nỗ lực vượt khó, thể hiện sự chung tay gắn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển của ngành Công Thương, Năng lượng và Mỏ Việt Nam - Lào, cùng nhau hướng tới tương lai và phát triển mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa hai nước.
Trong 8 tháng năm 2024, thương mại hai nước Việt Nam - Lào đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng. Số liệu từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, trong 8 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào đạt 1,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 429,5 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 915,2 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Các mặt hàng chính xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào tập trung vào sản phẩm hóa chất (đạt 47,7 triệu USD, tăng 1560,6%); xăng dầu (đạt 45,7 triệu USD; tăng 19,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 35,8 triệu USD, tăng 32,9%); sản phẩm từ sắt thép (đạt 32,2 triệu USD, tăng 22,4%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 27,6 triệu USD, giảm 6,5%)...
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Lào sản phẩm cao su (đạt 140,7 triệu USD; tăng 31,6%); than đá (đạt 93,5 triệu USD, giảm 25,1%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 65,4 triệu USD, giảm 3,8%); phân bón các loại (đạt 62,1 triệu USD, giảm 5,7%; quặng và khoáng sản khác (đạt 50,8 triệu USD, tăng 23,6%)...
Về hợp tác đầu tư, tính đến nay doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 245 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,75 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật tin tức về hội đàm...