Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nền kinh tế cần vượt qua ba thách thức lớn

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội ngày 23-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị) cho biết: Quý I, tình hình kinh tế-xã hội dù không đạt được một số chỉ tiêu, nhưng cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Mới đây nhất, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029.

Về tình hình năm 2024, đề cập những điểm tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nổi lên là kinh tế vĩ mô nói chung, quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đang cho thấy nền tảng tương đối tốt. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, dù còn chậm nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng như của các bộ, ngành, địa phương đang phát huy những hiệu quả rất cao…

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội.

Đề cập tới những thách thức lớn của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Đó là, vấn đề già hóa dân số đang diễn biến khá nghiêm trọng. Tiếp đến, biến đổi khí hậu, không chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long mà còn các khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng chịu tác động rất mạnh. Thêm vào đó, vấn đề khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn chuyển biến chậm và chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Nếu không tập trung đẩy mạnh khoa học, công nghệ thì nền kinh tế khó tăng năng suất lao động. Đây là những vấn đề mấu chốt và là ba vấn đề thách thức nổi lên mà cả ngắn hạn và dài hạn chúng ta phải tập trung tìm giải pháp để khắc phục”.

Về giải pháp và nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, cần tập trung vào đẩy mạnh ba động lực: Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; cũng như đẩy mạnh các động lực mới: Chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Trong đó, tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà Việt Nam có điều kiện tham gia sâu hơn, ví dụ như chip bán dẫn; đẩy mạnh đào tạo nguồn lực, đẩy nhanh các dự án đầu tư công quan trọng.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giải pháp quan trọng thời gian tới là cải cách vấn đề thể chế: “Chúng ta có thể cho áp dụng hiệu lực Luật Đất đai từ ngày 1-7, sớm hơn 6 tháng để tháo gỡ các ách tắc cho thị trường bất động sản. Ngoài ra, cải thiện thể chế còn có nghĩa là giải quyết các ách tắc, vướng mắc hiện nay; bổ sung và điều chỉnh đồng bộ một số luật cần thiết; tạo điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám làm…”.

Ngoài thể chế, có một vấn đề đó là phải cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn; tạo cơ chế chính sách cho các địa phương. Theo đó, báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, báo cáo Quốc hội và Chính phủ đánh giá lại các cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương đã ban hành và áp dụng. Nếu chính sách đó đúng, trúng và hiệu quả thì nên nhân rộng cho các địa phương khác. Ngoài ra, cần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, giúp khơi thông nguồn lực. “Chỉ cần giải quyết nhanh cho các dự án đang bị tắc, khơi thông được là đã thúc đẩy rất nhiều cho nền kinh tế, tạo niềm tin và nguồn lực mới”-Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nen-kinh-te-can-vuot-qua-ba-thach-thuc-lon-778115