Bộ trưởng Bộ TN&MT: Hơn 1000 hồ đập thủy lợi xây dựng từ lâu, nguy cơ mất an toàn rất lớn

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện có 6550 hồ thủy lợi với hơn 1000 hồ đã được xây dựng từ lâu, do đó, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn.

Sáng 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm là các công trình thủy lợi, tích trữ nước, làm gì để đảm bảo việc giữ nước, bảo đảm sản xuất bền vững.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) nêu thực trạng hồ chứa nước bị xuống cấp trầm trọng: “Hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970-1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì. Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?”.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện có 6550 hồ thủy lợi với hơn 1000 hồ đã được xây dựng từ lâu, do đó, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn. Nếu sửa chữa, nâng cấp và cải tạo thì cũng cần nguồn nhân lực rất lớn.

Nói về giải pháp xử lý tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, theo đó tập trung giao cho Bộ NNPTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công thương phối hợp với nhau để điều hòa, phân phối nguồn nước, đưa ra các kịch bản nguồn ngước để đảm bảo an ninh nguồn nước. Đối với các địa phương nắng nóng như miền Trung, nếu không có các hồ thủy lợi thì sẽ hạn hán rất lớn. Do đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, với việc quản lý các hồ đập, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ đập để đảm bảo việc giữ nước, tích trữ nước, đảm bảo sản xuất bền vững, đảm bảo điều hòa và an ninh nguồn nước.

 Nhiều hồ đập hiện nay có nguy cơ mất an toàn rất lớn. (Nguồn: Internet)

Nhiều hồ đập hiện nay có nguy cơ mất an toàn rất lớn. (Nguồn: Internet)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa được thực hiện từ năm 2003, với mục tiêu nâng cấp 1.800 hồ nhưng đến nay mới sửa chữa trên 500 hồ. Nguyên nhân chính là kinh phí sửa chữa còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực quản lý vẫn còn nhiều bất cập khiến nhiều hồ đập nhanh xuống cấp.

Thống kê từ Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Trong đó, có đến 1.150 hồ đập đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, 334 hồ chứa bị hư hỏng nặng cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2014.

Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) nhận định, phần lớn các hồ đập đều được xây dựng từ lâu, thời gian sử dụng 30 - 40 năm chưa được sửa chữa. Trong khi đó, những hồ dung tích nhỏ phần lớn được xây dựng từ nguồn lực huy động trong nhân dân và địa phương nên việc khảo sát, thiết kế còn hạn chế, thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương và đào đắp thủ công. Do vậy, vấn đề an toàn hồ đập hiện rất bất cập.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bo-truong-bo-tnmt-hon-1000-ho-dap-thuy-loi-xay-dung-tu-lau-nguy-co-mat-an-toan-rat-lon-88764.html