Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh, thành 'hiến kế' phát triển Vùng Đồng bằng Sông Hồng
Hội nghị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng Sông Hồng nhận được các ý kiến, đề xuất giải pháp hết sức tâm huyết, trách nhiệm và mang tinh thần đổi mới của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Ngày 12/2 tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".
Tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải Vùng Đồng bằng Sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế. Cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng.
Đặc biệt đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố. Đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, các địa phương cần sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics.
Về phía Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, cần tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vì Vùng Đồng bằng Sông Hồng vẫn là thị trường có nguồn nhân lực dồi dào và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng cần theo chiều sâu.
Trong thời gian tới, các địa phương của vùng cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhất là phát triển nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế tri thức và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa, phát triển dịch vụ việc làm của Vùng Đồng bằng Sông Hồng, tăng cường kết nối, liên thông với thị trường lao động các vùng trên cả nước. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết vùng thông qua việc chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong phát triển thị trường lao động.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau: Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp; các địa phương trong vùng phải đưa các chỉ tiêu phát triển KHCN&ĐMST, trong đó chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo vào nội dung chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương; kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp…
Đặc biệt là phải bảo đảm chi cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu của sự phát triển. Đồng thời, cần phải phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu. Các trung tâm đổi mới sáng tạo và phải có sự kết nối giữa các địa phương trong vùng.
Phát triển Thủ đô Hà Nội thành thành phố thông minh
Ông Trần Sĩ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng phải phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.
Đạt mục tiêu này, TP Hà Nội sẽ tập trung những nhiệm vụ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thủ đô; phát triển văn hóa thủ đô ngang tầm với kinh tế, xã hội, xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực mới cho thủ đô; phát triển đô thị, hạ tầng đồng bộ thủ đô Hà Nội theo hướng đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, thủ đô Hà Nội đóng vai trò hạt nhân, lan tỏa.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, địa phương này cũng đang đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm những nội dung sau: Phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có quy hoạch nhà máy điện rác, điện gió tại TP Hải Phòng làm cơ sở triển khai các dự án sử dụng năng lượng tái tạo của thành phố.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế biển; phê duyệt và công bố phương án phân định ranh giới quản lý hành chính biển cấp tỉnh để các địa phương thực hiện quản lý, tránh tranh chấp, chồng lấn khu vực biển; phê duyệt quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng làm cơ sở triển khai phát triển hạ tầng giao thông hàng hải thành phố; cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Riêng với Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng cần có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong vùng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các hạng mục có tính khớp nối khắc phục các điểm nghẽn của “trục khuỷu giao thông”, cản trở liên kết vùng.
Cụ thể, đối với xây dựng các thể chế, cần xác định rõ hơn những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành gắn với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tập trung nguồn lực nhà nước đủ tầm mức cho kích hoạt, kết nối nguồn lực tư nhân, nhờ đó tạo “tăng trưởng” lan tỏa trong toàn vùng.
Đối với phát triển các ngành kinh tế, chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, trên nền tảng mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” đã định hình, phát huy tác dụng trong những năm qua, Bí thư Quảng Ninh đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho Quảng Ninh thực hiện tốt các định hướng đã nêu trong Chương trình hành động.
Đối với phát triển đô thị, kiên trì tổ chức đô thị theo định hướng quy hoạch không gian phát triển chung. Phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở theo hướng đô thị xanh, thông minh…
Riêng đối với xây dựng hệ sinh thái dân sinh, Bí thư Quảng Ninh cho rằng vùng cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế điều phối vùng hiệu quả, đủ mạnh để thực thi kịp thời, hiệu quả các cam kết liên kết vùng, tăng cường khả năng phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt để quản trị phát triển bền vững địa phương và toàn vùng trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay.