Bộ trưởng Công Thương: Gạo xuất khẩu phải mang thương hiệu Việt Nam

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, gạo xuất khẩu phải là thương hiệu của Việt Nam chứ không phải là thương hiệu của địa phương, càng không phải là thương hiệu của một sản phẩm cụ thể nào đó.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục trả lời chất vấn sáng 5/6.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục trả lời chất vấn sáng 5/6.

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng 5/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp và là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu, hiện tượng Elino tác động đến khí hậu toàn cầu, diện tích canh tác giảm, cạnh tranh trong nước giữa các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo khá gay gắt, người nông dân không được hưởng lợi nhiều kể cả khi giá lúa gạo tăng.

Theo đại biểu, Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo được Chính phủ ban hành năm 2018 đã nảy sinh nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế. Do đó, bà đề nghị Bộ Công thương cho biết sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi những nội dung nào, khi nào trình Chính phủ ban hành Nghị định để giải quyết các khó khăn, rào cản, nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, Nghị định 107 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 107 và đến hiện tại đã xong, đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan. Bộ sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 6 này.

Bộ trưởng cho biết, tinh thần sửa đổi Nghị định gồm 5 nội dung chính. Một là sửa đổi, bổ sung quy định về báo cáo thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ, chế tài xử lý cao, nhằm xử lý những thương nhân chậm hoặc không thực hiện chế độ báo cáo. "Như vừa qua có tình trạng thương nhân chào giá rẻ khi thực hiện đấu thầu quốc tế," ông Diên nói.

Thứ hai là sửa đổi, bổ sung rõ quy định hậu kiểm của các sở công thương sau khi nhận giấy chứng nhận xuất khẩu gạo, tức là tăng trách nhiệm của địa phương. Theo đó, trách nhiệm kiểm tra pháp lý, điều kiện hoạt động là của địa phương, như vậy sẽ sát sao hơn.

Thứ ba là sửa đổi, bổ sung cơ chế phối hợp cụ thể giữa bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức, điều hành xuất khẩu gạo. "Tôi rất đồng tình với gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là thành lập một hội đồng xuất khẩu gạo. Với sự tham gia của nhiều bộ ngành, địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng về xuất khẩu gạo thì hi vọng chúng ta sẽ kiểm soát được tình trạng lộn xộn như thời gian vừa qua," ông Diên cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Công Thương.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Công Thương.

Thứ tư là bổ sung các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với hàng lúa gạo Việt Nam, theo đó ban hành chương trình phát triển hoạt động thương mại, xúc tiến riêng với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo. "Tóm lại thương hiệu này phải là thương hiệu của Việt Nam, chứ không phải là thương hiệu của địa phương, càng không phải là thương hiệu của một sản phẩm cụ thể, ST25 hay ông Cua...," Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Thứ năm là bổ sung quy định ủy thác xuất khẩu và nhận ủy thác xuất khẩu gạo, trong đó có thương nhân ủy thác.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) về tận dụng cơ hội 16 FTA đem lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói "cần thời gian để thực hiện lộ trình này". Ông cho hay, ngoài các thị trường truyền thống, cơ quan này đang mở rộng ra nhiều thị trường xuất khẩu mới như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan... Đây là những thị trường tiềm năng, với quy mô dân số 2 tỷ người, trong đó 500-600 triệu người có thu nhập trung bình cao.

Cùng với đó, tiêu chuẩn hàng vào các thị trường này không quá khắt khe, họ cũng có nhu cầu lớn về nhóm hàng tiêu dùng, lương thực mà Việt Nam có thế mạnh; chi phí logistics hợp lý... tạo thêm cạnh tranh cho hàng Việt. “Hàng Việt Nam vào được các thị trường này sẽ mở ra cơ hội tìm kiếm nơi tiêu thụ hàng hóa lớn,” Bộ trưởng Diên nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc khẳng định chất lượng hàng hóa và giá cả phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng; đẩy mạnh tiến độ đàm phán ký kết các hiệp định liên kết thương mại và khai mở thị trường…

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-truong-cong-thuong-gao-xuat-khau-phai-mang-thuong-hieu-viet-nam-post35377.html