Bộ trưởng Công Thương nói về địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh lần này, ban soạn thảo phải xác định ngoài Ninh Thuận phải có ít nhất 3 trong 8 địa điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Phát triển tối đa năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu điều chỉnh dự báo tăng trưởng nguồn điện. Ở kịch bản cơ sở, ông Diên đề nghị phải điều chỉnh tăng 45-50% công suất nguồn điện lắp đặt so với Quy hoạch điện VIII, kịch bản cao tăng từ 60-65% và kịch bản cực đoan là 70-75%.

Về nguồn, Bộ trưởng Công Thương cho biết, thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.

“Nơi kém lợi thế được ứng dụng công nghệ sẽ trở thành nơi có lợi thế để phát triển. Chẳng hạn, ở khu vực miền Trung có thể hình thành các trung tâm dữ liệu, tổ hợp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sạch thì tự nhiên miền Trung sẽ phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị điều chỉnh dự báo tăng trưởng nguồn điện. Ảnh: Cấn Dũng.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị điều chỉnh dự báo tăng trưởng nguồn điện. Ảnh: Cấn Dũng.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn thủy điện và thủy điện tích năng, vì đây vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền. Còn với điện sinh khối cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân và đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới như điện khí và điện hạt nhân.

“Chúng ta sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Vì thế trong quy hoạch điều chỉnh lần này đề nghị đến năm 2030 phải xác định không phải chỉ là Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 địa điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Về thị trường điện cạnh tranh, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, cần phát triển cả ba cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, có giá điện hai thành phần, trong đó có cả giá mua và giá bán, đồng thời xác định khung giá theo giờ; xác định rõ khung giá cho tất cả các loại hình điện năng, kể cả những cái đã có và những cái chưa có.

Thách thức khi quản lý hàng trăm dự án điện mặt trời

Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - nhận định, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng cao. Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao là sát với các kịch bản phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng.

"Với giai đoạn 2031 - 2035, việc giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện là hợp lý, phù hợp với xu thế chuyển dịch sang kinh tế dịch vụ và giảm bớt các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hệ thống Metro", ông Tuấn nói.

“Thách thức lớn nhất là quản lý hàng trăm nguồn điện nhỏ phân tán, liên quan đến các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và đất đai. Để đáp ứng nhu cầu, Việt Nam cần huy động từ 30,7 đến 40 tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2030, chủ yếu từ tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Với điện khí LNG, Bộ Công Thương cần sớm ban hành các quy định chuyển ngang giá khí để khởi động các dự án quan. Thủy điện tích năng và điện lưu trữ cũng cần nhanh chóng xây dựng cơ chế giá rõ ràng để thu hút đầu tư”, ông Tuấn nói.

Riêng về điện hạt nhân, ông đồng tình với kế hoạch tái khởi động dự án, nhưng lưu ý rằng việc xây dựng nhà máy đầu tiên vào năm 2031 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-truong-cong-thuong-noi-ve-dia-diem-xay-nha-may-dien-hat-nhan-post1716684.tpo