Cung ứng điện: 'Miền Bắc thiếu, miền Trung thì thừa'
Các chuyên gia về năng lượng cho rằng, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cần khắc phục được tình trạng 'miền Bắc thì thiếu, miền Trung thì thừa' điện.
![Sẽ ưu tiên phát triển điện hạt nhân và năng lượng tái tạo](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_106_51463167/63d2004b3005d95b8014.jpg)
Sẽ ưu tiên phát triển điện hạt nhân và năng lượng tái tạo
Cân bằng về cung ứng điện
Nêu ý kiến tại buổi tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Ngô Tuấn Kiệt- nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế và xã hội đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo ông Kiệt, quyết tâm của hệ thống chính trị, Quốc hội và Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn so với Quy hoạch Điện VIII là điểm mới quan trọng. Đặc biệt, quyết định tái khởi động hai dự án điện hạt nhân là bước đi mang tính chiến lược.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề lớn được ông Ngô Tuấn Kiệt đề cập là sự mất cân đối trong phát triển kinh tế vùng miền.
“Hiện tại, miền Bắc và miền Nam vẫn là hai trung tâm kinh tế chủ yếu, trong khi miền Trung – dù sở hữu nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo – lại chưa được khai thác đúng mức. Cần đề xuất nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam.
Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với hệ thống truyền tải mà còn tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ”- ông Ngô Tuấn Kiệt nói.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc điều chỉnh dự báo nhu cầu điện là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước.
Với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra hai kịch bản: Tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao, sát với các kịch bản phát triển kinh tế.
Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc. Với giai đoạn 2031 - 2035, việc giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện là hợp lý, phù hợp với xu thế chuyển dịch sang kinh tế dịch vụ và giảm bớt các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng.
Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc – Nam và hệ thống Metro.
“Chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực. Trong khi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa. Chúng ta nên tận dụng tiềm năng điện mặt trời ở miền Bắc. Đức có 96.000 MW điện mặt trời với chỉ 900 giờ nắng mỗi năm, trong khi miền Bắc có tới 1.200 giờ nắng" - ông Tuấn dẫn chứng và khuyến nghị cần có chính sách phát triển hợp lý và phân bổ đầu tư đồng đều giữa các vùng để tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn.
Ông Nguyễn Thái Sơn- nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng đề xuất, cần nhấn mạnh hơn vào việc đánh giá sự chênh lệch giữa các vùng trong dự báo nhu cầu điện. Việc có khu vực đạt mức 101% so với dự báo, một số vùng lại chỉ đạt dưới 80%, đòi hỏi phải phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong điều chỉnh quy hoạch sắp tới.
Cần quyết tâm và cơ chế phù hợp để phát triển điện hạt nhân
Đồng tình với quan điểm sẽ đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo đã nêu trong Quy hoạch Điện VIII, ông Ngô Tuấn Kiệt cũng cho biết, điện hạt nhân là lựa chọn tất yếu để đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn. Với kinh nghiệm từ các nghiên cứu khả thi trước đây, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian thực hiện, đặt mục tiêu hoàn thành hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong vòng 5-6 năm nếu có sự quyết tâm và cơ chế phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đồng tình kế hoạch tái khởi động dự án, nhưng lưu ý rằng việc xây dựng nhà máy đầu tiên vào năm 2031 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất với ý kiến của các phản biện từ tư duy phát triển về điện cũng như tư duy phát triển kinh tế.
“Càng những nơi kém lợi thế khi ứng dụng công nghệ vào thì đấy lại là nơi có lợi thế để phát triển. Có thể kể đến như hình thành các trung tâm dữ liệu ở khu vực miền Trung hay hình thành những tổ hợp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sạch ở khu vực miền Trung thì tự nhiên miền Trung sẽ phát triển. Khi miền Trung kinh tế phát triển, đồng thời chúng ta cũng sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế tự nhiên của miền Trung để phát triển năng lượng tái tạo”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Với điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, chúng ta sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Do đó mà trong quy hoạch lần này đề nghị là đến năm 2030 cũng phải xác định không phải chỉ là Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cung-ung-dien-mien-bac-thieu-mien-trung-thi-thua-post603331.antd