Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: giao các sai phạm về khoáng sản cho cơ quan điều tra

Trả lời chất vấn, ông Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý những doanh nghiệp liên tục sai phạm về khai thác khoáng sản hoặc tài nguyên khác.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trong phiên chất vấn sáng ngày 4/6/2024. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trong phiên chất vấn sáng ngày 4/6/2024. Ảnh: Hoàng Phong

Trong sáng 4/6, tại Tòa nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường (TN-MT) đối với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) về khai thác đất hiếm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn như bô xít khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn, đất hiếm khoảng 20,7 triệu tấn.

Ông Khánh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo tính toán việc chế biến sâu đất hiếm để phục vụ công nghiệp chip, bán dẫn và nghiên cứu xuất khẩu; thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ này. Các địa phương có tiềm năng đất hiếm gồm Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai đang phải tăng cường quản lý đất hiếm, tránh khai thác, buôn bán trái phép.

Trong khi đó, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó đoàn Hòa Bình) cho biết để giải quyết khó khăn về nguồn nguyên vật liệu khoáng sản san lấp công trình, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ, bà Ngọc đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết sẽ luật hóa nội dung này thế nào?

Trả lời câu hỏi này, ông Khánh cho biết với cơ chế đặc thù của Quốc hội, vừa qua các địa phương đã thực hiện cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, cao tốc. Thực hiện 8 nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã hướng dẫn triển khai, đến nay các dự án đều vượt tiến độ. Điều này cho thấy cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép đến nay thực hiện rất hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng dự phiên chất vấn sáng 4/6. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng dự phiên chất vấn sáng 4/6. Ảnh: Media Quốc hội

“Thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó chia 4 nhóm khoáng sản gồm kim loại quý, vật liệu xây dựng cao tốc, vật liệu xây dựng thông thường và đất đá sỏi”, ông Khánh nói, cho biết Bộ sẽ phân cấp triệt để nhóm 3 và 4 cho các địa phương, “không cấp phép mỏ nữa mà chỉ đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế”.

Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm hạn chế khai thác tài nguyên trái phép và an ninh môi trường. “Bộ luật Hình sự đã quy định về khai thác tài nguyên trái phép và gây ô nhiễm môi trường. Vậy qua thanh tra, kiểm tra, Bộ TN-MT đã kiến nghị xử lý như thế nào, đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu hình sự? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới về công tác thanh tra ra sao?”, ông Huấn chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh cho địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ và địa phương tăng cường, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý đến từng địa phương.

Trong 5 năm qua Bộ TN-MT có 12 cuộc thanh tra, 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm. Đã ban hành 258 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 30 tỉ đồng. Qua thanh tra cho thấy các chủ dự án mỏ sai phạm trong khai thác vượt quá công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới mỏ, không đảm bảo yêu cầu và điều kiện về môi trường.

“Bộ TN-MT đã và sẽ xử lý nghiêm những sai phạm. Những sai phạm mang tính liên tục, nối tiếp, Bộ TN-MT sẽ chuyển sang cơ quan chức năng, cơ quan điều tra xử lý tiếp” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay.

Theo Bộ trưởng TN-MT, hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra cả nước, đã được phân công phân cấp mạnh ở địa phương nên bộ phối hợp chặt chẽ các bộ ngành để tăng cường thanh kiểm tra. Tuy nhiên, ông cho rằng địa phương làm nghiêm việc này. “Thật ra, khi khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu xây dựng, ô tô chở, trang thiết bị hoạt động mà bảo không biết thì không phải. Do đó, địa phương phải thật sự quan tâm, cả hệ thống chính trị cùng giám sát để phát hiện sớm, xử lý sớm, không để khai thác trái phép tài nguyên” - Bộ trưởng TN-MT nhấn mạnh.

Trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng N-MT Đặng Quốc Khánh cho biết hiệu quả khai thác, sử dụng nước của Việt Nam còn thấp và lãng phí, đặc biệt là trong nông nghiệp và ở đô thị.

Hiệu quả sử dụng nước được đo bằng tỷ lệ giá trị USD tạo ra với khối lượng nước được sử dụng, dựa trên hoạt động kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hiệu suất sử dụng nước trung bình thế giới năm 2015 là 17,3 USD/m3, tăng lên 18,9 USD/m3 năm 2020 và đến nay là 19,42 USD/m3.

Theo Bộ trưởng, Bộ TN-MT sẽ sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên. Bộ cũng tiếp thu, hoàn thiện và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia; xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch bảo đảm hiệu quả ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-truong-dang-quoc-khanh-giao-cac-sai-pham-ve-khoang-san-cho-co-quan-dieu-tra-383192.html