Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đến thời điểm không thể không cải cách tiền lương
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, đến thời điểm này, không thể không cải cách tiền lương. Lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng/tháng, vậy họ sống làm sao?
Lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng/tháng thì sống làm sao?
Sáng 24/10, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về 06 nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước...
Vấn đề cải cách tiền lương được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến. Thảo luận liên quan tới nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, tháng 5/2018, Trung ương thông qua Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là một quyết định rất đúng.
Tuy nhiên, 6 năm qua, việc thực hiện nghị quyết chưa được nhiều. Mỗi năm điều chỉnh lương 7%, nhưng “thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương”.
“Đến thời điểm này, không cải cách tiền lương không được nữa, đây là thời điểm chín muồi. Lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư của sự phát triển", ông Dung nói.
Đưa ra ví dụ lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng/tháng, ông Dung đặt câu hỏi: "Vậy họ sống làm sao?" khi mức lương này thấp hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất. Ông Dung đề nghị thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương, trong đó, quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở, trả lương theo vị trí việc làm, thang bảng lương.
Cùng với cải cách tiền lương khu vực công, Bộ trưởng Dung cho rằng, phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác.
Đối với khu vực công, quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở, đây là cái gốc, trả lương theo vị trí việc làm, ban hành 5 thang bảng lương.
Với khu vực doanh nghiệp nhà nước, hiện có tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có thu nhập nhưng người quản lý lương rất cao, vì họ ăn bảng lương hoàn toàn khác với người lao động.
Do đó, tới đây Nhà nước bỏ thang bảng lương, chỉ can thiệp ban hành cho mức lương tối thiểu.
"Thang bảng lương cứ ba năm tăng một lần thì dẫn tới thực trạng chị tạp vụ lương rất cao, trong khi anh kỹ sư ra trường lương rất thấp", ông Dung nói.
Nếu không cùng kiềm chế lạm phát thì tăng lương không ý nghĩa
Tham gia thảo luận tổ về nội dung này, đại biểu Quốc hội Vũ Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, điểm nhấn 2024 là tăng lương thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, hiện nay Chính phủ đã đưa ra đề án cải cách tiền lương và trình Quốc hội thông qua.
"Theo đề án này, lương của cán bộ công chức và lực lượng liên quan sẽ tăng từ 1/7/2024. Tuy nhiên, cần lưu ý tới việc kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng lương. Bởi mỗi lần tăng lương, kể cả đối với người nghỉ hưu thì có tác động tiêu cực về lạm phát, giá cả tăng theo", bà Mai nói.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê thì chỉ riêng năm 2023 (tính 4 tháng) có đến 32% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao, bà Mai cho rằng, nếu tăng lương không kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của tăng lương cũng không được bảo đảm.
Trong bối cảnh ngân sách còn có chừng mực thì tăng lương là cả một cố gắng, tuy nhiên, việc tăng lương cần thực chất, không cào bằng.
"Theo Nghị quyết 27, khi tăng lương thì không còn khoản phụ cấp khác, chúng tôi cho rằng Chính phủ cần lưu ý, để làm sao khi không còn phụ cấp thì người đang có thu nhập từ phụ cấp không bị ảnh hưởng. Đi cùng với tăng lương thì phải tinh giản biên chế, để làm sao bộ máy của chúng ta thực sự có hiệu quả", bà Mai nói.
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5":