Bộ trưởng Giao thông: Năm nay ngành giao thông không thiếu tiền
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, năm nay ngành GTVT không thiếu tiền, chủ đầu tư/ban QLDA đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó.
Tiêu tiền "khủng" nên các dự án phải "vừa chạy vừa xếp hàng"
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án giao thông và tình hình giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT vào chiều 1/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay, năm 2023, Bộ GTVT đăng ký kế hoạch vốn 72.000 tỷ đồng. Tuy nhiên Chính phủ giao thêm cho Bộ hơn 22.000 tỷ, do đó, Bộ phải giải ngân một số vốn “khổng lồ”, lên đến hơn 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.
Trong đó, khối lượng vốn giải ngân năm mới chủ yếu tập trung vào các dự án cao tốc, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư/Ban QLDA phải tập trung vào 4 mấu chốt.
Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.
Thứ hai, công tác GPMB phải càng nhanh càng tốt. Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2;
Thứ ba, đối với các dự án, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Năm nay ngành GTVT không thiếu tiền, chủ đầu tư/ban QLDA đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó.
Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn, phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, có thể triển khai song song nhiều việc.
Theo ông Thắng, để đáp ứng kế hoạch vốn được giao, bình quân mỗi tháng, Bộ GTVT phải giải ngân một khối lượng “khổng lồ”, khoảng 8.000 tỷ đồng so với mức 2.500 - 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.
“Cục Quản lý đầu tư xây dựng phải là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải pháp xử lý các vướng mắc chính cản trở tiến độ dự án (mặt bằng, vật liệu, bãi đổ thải, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật,..).
Cục cũng phải tham mưu thành lập tổ chuyên biệt giải quyết vướng mắc một cách thống nhất, đồng bộ, kịp thời tại các dự án, tránh những bất cập mà dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 1 gặp phải”, ông Thắng chỉ đạo.
Lập biên bản xử lý các nhà thầu không đáp ứng
Đối với một số dự án cụ thể như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020 đang bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban QLDA phải chỉ đạo sát sao, kiểm tra, lập biên bản xử lý các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu theo quy định trong hợp đồng ký kết.
“Tôi chưa bao giờ nói với các đồng chí nhà thầu nào vi phạm phải nương nhẹ hay xin ý kiến. Giao toàn quyền để các đồng chí làm. Nếu không thực hiện được, lãnh đạo Bộ phải trực tiếp xử lý, khi đó chủ đầu tư/Ban QLDA cũng phải chịu trách nhiệm chứ không riêng nhà thầu.
Không để tình trạng nhà thầu cứ chậm, cứ vi phạm nhưng lại không có hành động cụ thể. Nhà thầu nào không đáp ứng được tiến độ thì không được phép tham gia thêm bất cứ công trình nào của Bộ GTVT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với lực lượng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, Bộ trưởng yêu cầu nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu trong thiết kế, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình, không để việc thi công, quyết toán chậm trễ chỉ vì tư vấn không thực thi đầy đủ nhiệm vụ theo hợp đồng.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT) cho biết, trong tổng số vốn đã phân khai, các chủ đầu tư/Ban QLDA thuộc Bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các chủ đầu tư khác (VEC, các Tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh…) được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).
Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, đến nay, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT đã đạt 1.700 tỷ đồng, đạt 1,81%. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 giải ngân được 761 tỷ đồng, đạt 1,38%.