Bộ trưởng Giao thông vận tải: 'Dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều'
Sáng 8/6, Quốc hội tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.
Sáng 8/6, Quốc hội tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải. Người đứng đầu ngành Giao thông vận tải đã giải đáp rõ ràng, thỏa đáng nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Liên quan đến chi phí logistics, cuối chiều 7/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đã tranh luận về chi phí thực tế trung bình là 16,8 - 17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có những mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%. Theo đại biểu, muốn giảm gánh nặng này phải làm quyết liệt từng khâu một.
Đại biểu nêu thực tế từ dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi sửa chữa lại có số lần cất cánh, hạ cánh ít hơn trước khi sửa. Trước khi sửa, trung bình một giờ có thể có từ 44 - 46 lần cất, hạ cánh, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 40 - 42 lần cất, hạ cánh trong một giờ.
Đại biểu đặt vấn đề "chúng ta bỏ ra mấy nghìn tỷ đồng để nâng cấp đường băng mà số lượng cất, hạ cánh lại giảm đi. Đấy là một sự điều tiết không đúng. Chính vì vậy, tôi nghĩ Bộ trưởng cần phải lưu ý hơn trong việc giảm chi phí logistics cho Việt Nam".
Giải đáp ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2022, chi phí logistics là 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung, tuy nhiên cũng đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam là đến năm 2025 chi phí logistics chiếm khoảng từ 16 đến 20% GDP.
Điều này được minh chứng bằng Chỉ số về hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 3/2023. Theo đó, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4.
"Thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều", cho biết điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, về phía Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp.
Đầu tiên là tiếp tục tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ và đầu tư phát triển cảng cạn, trung tâm logistics để đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Hiện đã ban hành được 4 quy hoạch, chỉ còn quy hoạch cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn tất các thủ tục, lấy ý kiến và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.
"Khi triển khai thực hiện các quy hoạch này, Bộ Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tính toán ngay câu chuyện đầu tư kết nối giữa các phương thức, đặc biệt là kết nối đường thủy với các cảng biển. Trong 5 năm quy hoạch này, lấy quy hoạch về hàng hải là quy hoạch trung tâm, hay nói cách khác lấy các cảng biển làm trung tâm, từ các cảng biển tăng cường kết nối với đường thủy, đường bộ và đường sắt", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Theo Bộ trưởng, sắp tới sẽ triển khai các tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải lên các cửa khẩu của khu vực Tây Nam. Rất nhiều tuyến vận tải đường sắt đang tập trung triển khai.
Riêng đường thủy, Bộ trưởng cho biết, phải giải quyết được câu chuyện tĩnh không thông thoáng các luồng thủy nội địa cả khu vực phía Nam và khu vực phía Bắc. Ở khu vực phía Bắc, vấn đề khó nhất hiện nay là tĩnh không của một số cây cầu và việc kết nối đường vào các cảng thủy phía Bắc. Đặc thù các cảng thủy phía Bắc là nằm ở phía bên kia của đê, việc đưa các phương tiện để kết nối sang tải thủy bị vướng về trọng tải của phương tiện khi đi qua đê.
Cũng theo Bộ trưởng, phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như phải giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra, vào cảng biển. Vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin rất quan trọng trong quản lý và khai thác cảng biển, chỉ có thể ứng dụng công nghệ mới giảm được thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng, chủ tàu. Đây cũng là vấn đề rất nhiều chủ hàng, chủ tàu có ý kiến với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Giao thông vận tải.
Thông tin thêm, Bộ trưởng cho biết, hiện nay liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, đã có những cảng biển đạt chuẩn khu vực, như cảng Lạch Huyện có năng lực xử lý tương đương với một số cảng biển lớn của Singapore, Malaysia. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục cố gắng làm tốt những giải pháp liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng để tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến lãng phí xã hội.
Về tần suất hạ cánh của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, khẳng định những thông tin đại biểu đưa ra là chính xác, Bộ trưởng cho hay, khi đường cất, hạ cánh của sân bay này xuống cấp, ngoài việc nâng cấp để nâng năng lực vận tải, còn đảm bảo mục tiêu cất, hạ cánh an toàn. Trước đây, đường băng này chỉ ở tiêu chuẩn cấp 1, khi nâng cấp đã đưa lên được tiêu chuẩn cấp 2, đây chính là vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn.
Vừa qua, khi thực hiện bay với tần suất từ 44 – 46 chuyến/giờ đã dẫn đến nhà ga hành khách của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất không đáp ứng được và đường kết nối từ trong ra ngoài nhà ga cũng không kết nối được. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam phải phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) điều chỉnh, thậm chí phải đẩy một số chuyến ra ngoài "giờ vàng" để giảm ùn tắc. Việc ùn tắc ở nhà ga hiện đã được giải quyết.
"Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của đại biểu. Khi mọi thứ đã ổn định, đặc biệt chúng ta hoàn thành nhà ga T3, sẽ đẩy tần suất chuyến bay lên", Bộ trưởng khẳng định./.