Bộ trưởng GTVT: Đến năm 2025, trên 400 km đường cao tốc được khai thác tại vùng Đông Nam bộ
Ngành giao thông sẽ tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TPHCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TPHCM…
Tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác tại vùng Đông Nam bộ”.
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 103 km đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương).
Hiện đang thi công 3 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 178 km (Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TPHCM, Biên Hòa - Vũng Tàu). Bên cạnh đó, chuẩn bị khởi công 3 tuyến dài 126 km (Chơn Thành - Đức Hòa, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc).
Theo quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ (ngân sách trung ương 60.800 tỷ; ngân sách địa phương 29.700 tỷ; vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ); giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ.
Ngành GTVT và các địa phương đặt mục tiêu tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.
Cụ thể, về đường bộ, tập trung hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TPHCM.
Bao gồm: hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa; tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 187.200 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 273.520 tỷ.
Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TPHCM hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TPHCM; nghiên cứu sớm đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 16.800 tỷ.
Đầu tư đường thủy và logistics
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết sẽ đầu tư mạnh mẽ để phát triển giao thông đường thủy và hệ thống logistics.
Về đường thủy nội địa, cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TPHCM đi Kiên Lương, Cà Mau, Bến Kéo, Bến Súc...
Bên cạnh đó, đầu tư và nâng cấp các cảng thủy nội địa... để thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng; thực hiện các dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 12.500 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 13.950 tỷ.
Về hàng hải, nâng cấp luồng hàng hải vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Soài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn.
Tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; xúc tiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 20.000 tỷ, giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 42.190 tỷ.
Ngoài ra, cũng theo Bộ Giao thông vận tải, về hàng không sẽ đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 2 để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm.
Song song các dự án giao thông đường bộ, đường thủy, Bộ GTVT nghiên cứu nâng cấp Cảng Hàng không Côn Đảo, Cảng Hàng không Biên Hòa. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 122.270 tỷ (ngân sách trung ương 1.680 tỷ, vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ, vốn huy động nhà đầu tư 11.590 tỷ), giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ.