Bộ trưởng GTVT: Năm 2023 có thể khởi công 3 tuyến cao tốc trọng điểm

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua và công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, thì năm 2023 có thể khởi công 3 tuyến cao tốc ở khu vực phía Nam.

Chiều 10/6, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư 3 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) và Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã phát biểu tiếp thu, giải trình các nội dung liên quan

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, ngoài việc tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, 3 dự án giao thông khu vực phía Nam sẽ có ý nghĩa xã hội rất lớn. Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp để có thể thực hiện các dự án này hiệu quả, chất lượng.

Theo Bộ trưởng, 3 dự án cao tốc này tạo đột phá kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Trần Đề. Hiện các cảng có tiềm năng rất lớn nhưng giao thông kết nối còn nhiều hạn chế. Đến năm 2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể kết nối tốt với cảng Cái Mép - Thị Vải và tương lai phục vụ tốt trung tâm logistics 1.700 ha ở khu vực này.

Với cao tốc là Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, đây là một vùng có nhiều tiềm năng. Người dân địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, vì vậy hai dự án này không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế mà còn đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh không thể chần chừ thêm. Lý do bởi nếu không có tuyến đường này, sắp tới mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải cũng không vận chuyển hàng xuống được, do hiện chỉ có con đường độc đạo là quốc lộ 51, 8 làn xe nhưng quá tải nghiêm trọng. Cảng Cát Lái TP HCM cũng quá tải nên nếu không triển khai dự án này sẽ không tạo sự đột phá về cảng biển.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư 3 dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong 10 năm nay, Bộ GTVT đã phối hợp với Đồng Nai, Bình Dương xúc tiến tìm nguồn vốn nhưng không thành công. Vì vậy, chúng ta đầu tư theo hình thức đầu tư công là phù hợp.

Giải trình về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã tính toán theo cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2. Sau khi Quốc hội thông qua Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả công tác giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư.

"Theo tính toán, phải mất 1 năm để hoàn thành thủ tục, đến giữa năm 2023 hoặc quý IV /2023 là có thể khởi công 3 dự án cao tốc này. Sau đó, sẽ cho tạm ứng tối đa khoảng 50% giá trị xây lắp theo quy định. Bên cạnh đó, từ nay đến khi khởi công có thể giải phóng mặt bằng được 80 - 90%. Quyết tâm cao và có giải pháp sẽ giải ngân được đúng tiến độ"

"Theo tính toán, phải mất 1 năm để hoàn thành thủ tục, đến giữa năm 2023 hoặc quý IV /2023 là có thể khởi công 3 dự án cao tốc này. Sau đó, sẽ cho tạm ứng tối đa khoảng 50% giá trị xây lắp theo quy định. Bên cạnh đó, từ nay đến khi khởi công có thể giải phóng mặt bằng được 80 - 90%. Quyết tâm cao và có giải pháp sẽ giải ngân được đúng tiến độ"

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Tư lệnh ngành GTVT cũng mong muốn các địa phương phải quyết tâm trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, bởi nếu không có mặt bằng sẽ không thể khởi công.

Về phân cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã trình bày trong tờ trình của Chính phủ. Bộ GTVT sẽ làm đầu mối cùng với các địa phương kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chất lượng dự án.

3 dự án là động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: "Đây là 3 dự án rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát huy tiềm năng khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng”.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết thúc phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết thúc phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có nhu cầu vận tải tương đối thấp, cần nghiên cứu, xem xét tính cấp thiết đầu tư dự án. Ưu tiên cho các dự án trọng điểm quan trọng quốc gia khác.

Qua thảo luận, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến mức độ hấp thụ vốn của các dự án, khả năng cân đối vốn, phân bố nguồn lực, tính khả thi của dự án, tiến độ thực hiện dự án, phương án thu hồi vốn, phương thức vận hành khai thác sau đầu tư, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu

Dự án có tổng chiều dài hơn 53 km, điểm đầu kết nối tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự án đường có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B với quốc lộ 1 tại khu vực cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa); điểm cuối tại vị trí giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Tổng chiều dài tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 117,5km gồm 32,7km qua địa phận tỉnh Khánh Hòa và 84,8km qua địa phận tỉnh Đắk Lắk.

Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Dự án có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Tổng chiều dài trên 188 km, trong đó, đi qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 57 km, TP Cần Thơ hơn 37 km, tỉnh Hậu Giang gần 37 km và tỉnh Sóc Trăng gần 57 km.

Thảo Vân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-truong-gtvt-nam-2023-co-the-khoi-cong-3-tuyen-cao-toc-trong-diem-post7352.html