Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu kiểm tra giá vé máy bay
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc vào cuộc kiểm tra giá vé máy bay.
Ngày 3-5, Bộ GTVT vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng về giá vé máy bay.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không và Vụ Vận tải khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra giá vé máy bay.
Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Hàng không khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có).
Cục Hàng không cũng được yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Vụ Vận tải được Bộ GTVT giao chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé; Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các hãng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá vé máy bay từ đầu năm đến nay tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt từ khi Bộ GTVT nới giá trần vé máy bay, theo hướng tăng thêm giá trần từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng (tùy từng chặng) từ ngày 1-3.
“Tôi cảm nhận rất rõ việc tăng vé máy bay của các hãng hàng không vì thường xuyên di chuyển vào TP.HCM. Mức tăng của các hãng so với năm ngoái tầm 15%” - anh Trương Hà Anh, ngụ ở quận Nam Từ Liêm nhận định.
Đáng chú ý, dịp lễ 30-4 và 1-5, chị Trần Thị My, ngụ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội khẳng định giá còn cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20-30%.
“Kỳ nghỉ lễ năm ngoái tôi mua một vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc chỉ hết hơn 4 triệu đồng, nhưng năm nay rẻ nhất cũng hơn 6,5 triệu đồng đến gần 12 triệu đồng tùy hãng. Các chặng Hà Nội - Huế , Hà Nội - Đà Nẵng giá một vé khứ hồi cũng dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; vé Hà Nội - Côn Đảo còn lên tới hơn 7,2 triệu đồng một vé khứ hồi” - chị My nói.
Cũng vì vé máy bay cao, chị My chọn đi Hạ Long (Quảng Ninh) bằng xe riêng để vừa có kỳ nghỉ lễ vui vẻ cho gia đình, vừa tiết giảm được chi phí. “Trong thời buổi khó khăn này, giá vé máy bay thực sự đã vượt mức chi tiêu của chúng tôi”- chị My cho hay.
Trao đổi với PLO, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho hay vừa qua Bộ GTVT thực hiện tăng giá trần vé máy bay nội địa. Thực tế, giá trần được xây dựng dựa vào đề xuất của các doanh nghiệp hàng không, Nhà nước sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa các bên.
Nghĩa là Nhà nước không áp đặt mức giá này. Khi doanh nghiệp đưa ra đề xuất giá trần đã tính đến lợi nhuận trong đó. Trên cơ sở giá trần, các hãng xây dựng mức giá cho các đường bay nhưng không được vượt quy định.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng khi giá trần tăng, các hãng tăng giá vé theo, hành khách phản ứng vì nhiều mức giá đã vượt khả năng chi tiêu của họ mà doanh nghiệp vẫn kêu lỗ là một nghịch lý. Để giải bài toán này, cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân từ đâu.
“Vietnam Airlines có vốn Nhà nước rất lớn, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể kiểm tra để xem doanh nghiệp lỗ có phải do năng lực quản lý yếu kém, bộ máy quá cồng kềnh, lương bổng chi trả quá cao hay do bố trí nhân sự chưa hợp lý, chưa tiết giảm các chi phí khác…” - ông Long góp ý.
VIẾT LONG