Bộ trưởng GTVT: Nỗ lực hơn nữa để hoàn thành cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trước 8 tháng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ban Quản lý dự án 2, nhà thầu và các địa phương cùng chia sẻ, đồng hành để tăng tốc thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đưa dự án về đích ngay trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng.
Cải tiến phương pháp đào hầm
Sáng 5/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cùng đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra công tác tổ chức thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Tại vị trí cửa hầm phía Bắc hầm số 3 thuộc địa bàn thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương tinh thần và nỗ lực của nhà thầu, chủ đầu tư cùng sự vào cuộc tích cực của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, sự ủng hộ của nhân dân trong vùng dự án.
Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đến những hộ dân đã nhường đất để thi công công trình trọng điểm quốc gia cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan đã thể hiện tinh thần "vượt nắng thắng mưa".
"Đây là dự án giao thông quan trọng của hệ thống cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Việc tháo gỡ từng nút thắt, gia tăng sản lượng trên công trường là nhiệm vụ rất quan trọng.
Các chủ thể liên quan phải xem đây là trách nhiệm và nỗ lực để đưa dự án về đích, sớm nối thông hệ thống cao tốc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Báo cáo với Bộ trưởng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông cho biết, ngoài hệ thống nền đường trên tuyến đang được triển khai, các đơn vị đã thi công 54/77 cầu, cống; đắp nền đường đạt khoảng 2,6 triệu m3.
Việc thi công hai hầm số 1 và số 2 đang vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.
Riêng hầm số 3 có chiều dài lớn nhất trên tuyến với 3.200m, đến nay ống hầm trái đã khoan được 635m và ống hầm phải đạt 634m.
Rút kinh nghiệm từ các dự án trước, Đèo Cả cải tiến phương pháp đào hầm và tăng mũi thi công.
"Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào thi công đã rút ngắn thời gian, kiểm soát đường găng tiến độ dự án.
Đơn cử, đào hầm theo phương pháp mới nếu gặp nền địa chất yếu thì kiểm soát được, xử lý dễ hơn, không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ", ông Đông cho hay.
Hiện trên toàn dự án, nhà thầu bố trí 1.107 đầu máy thiết bị cùng 3.182 nhân lực, tổ chức 43 mũi thi công.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết, lũy kế sản lượng dự án đến nay đạt hơn 2.444/14.498 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 1, đã giải ngân hơn 7.086 tỷ đồng, đạt 99,55%. Đối với nguồn vốn bố trí năm 2024 hơn 3.566 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân khoảng 234 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án lớn nhất trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, khởi công đầu năm 2023.
Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi là thử thách lớn đối với ban quản lý dự án và nhà thầu. Nhưng qua một năm, nhà thầu đã đào thông 2 trong số 3 hầm.
Bộ trưởng lưu ý, mặt bằng trên tuyến cơ bản đã được giải quyết, nguồn vật liệu đầu vào đảm bảo, các địa phương ủng hộ, nhân dân đồng tình. Như vậy, các khó khăn đã được tháo gỡ, điều quan trọng nhất hiện nay là nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư phải tiếp tục nỗ lực.
"Chúng ta phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất. Dự án phải lấy lại tiến độ sau giai đoạn đầu khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu", ông nói.
Còn vướng mắc mặt bằng
Báo cáo với Bộ trưởng về công tác giải phóng mặt bằng, ông Lê Thắng cho biết, đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng hơn 85,5/88km.
Trong đó, Quảng Ngãi bàn giao hơn 58,4/60,3km, Bình Định bàn giao 27,1/27,7km. Dù mặt bằng bàn giao lớn, song nhà thầu đã tiếp cận thi công được gần 85km.
Tham gia đoàn kiểm tra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền báo cáo: Phần diện tích chưa bàn giao mặt bằng chủ yếu là nhà ở của các hộ dân, phải chờ các hộ nhận nhà mới tại các khu tái định cư. Việc di chuyển chỗ ở của các hộ dân phụ thuộc nhiều vào phong tục tập quán của từng địa phương.
Một số hộ dân đã thống nhất nhận tiền bồi thường nhưng còn khiếu nại nên cần phải thực hiện quy trình giải quyết; một số trường hợp chưa đồng thuận, phải thực hiện các biện pháp cần thiết để hoàn thành công tác thu hồi đất...
Về các mỏ vật liệu, chủ yếu là đất đắp sau thực hiện điều phối, nhu cầu dự án cần khoảng 13 triệu m3, trong đó tỉnh Bình Định 4,1 triệu m3, hiện các nhà thầu đã được cấp phép khai thác 2 mỏ với khối lượng 3,86 triệu m3.
Riêng tỉnh Quảng Ngãi sau điều phối cần gần 9 triệu m3, đến nay tỉnh đã chấp thuận bản đăng ký khối lượng khai thác 7/8 mỏ với trữ lượng khoảng 5 triệu m3. Hiện 3/8 mỏ với trữ lượng 2,73 triệu m3 đã đưa vào khai thác.
Về tiến độ dự án chưa như kỳ vọng, đại diện Ban Quản lý dự án 2 báo cáo: Do mùa mưa kéo dài những tháng cuối năm nên dự án chỉ duy trì các mũi thi công thuộc 3 hầm cũng như các mũi thi công phần cầu, cống...
Đồng thời, mặt bằng tuyến chính còn nhiều vị trí vướng mắc, không liên tục nên khó tổ chức thi công. Bên cạnh đó, nhân sự nội nghiệp một số nhà thầu còn yếu, nhất là bộ phận hồ sơ nội nghiệp.
Năm 2024, Ban Quản lý dự án 2 báo cáo sẽ tập trung làm phần cầu, đường và hệ thống 3 hầm trên tuyến với sản lượng dự kiến thực hiện là 5.900 tỷ đồng, giải ngân đạt 3.122 tỷ đồng.
Để đảm bảo kế hoạch đề ra, Ban kiến nghị hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định khẩn trương giải quyết rốt ráo vướng mắc về mặt bằng tại các vị trí "xôi đỗ"; Hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về mỏ vật liệu, đường vận chuyển…
Giải pháp thi công mới, cách tiếp cận mới sẽ rút ngắn tiến độ
Lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu chủ đầu tư giám sát chặt tiến độ. Các nhà thầu phải nỗ lực hơn nữa, huy động tối đa thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp để thi công các cầu trên tuyến chính, hoàn thiện hai hầm số 1 và số 2, tăng tốc thi công hầm số 3 để thông hầm trong năm 2025.
"Thủ tướng đi kiểm tra thực địa và chỉ đạo vào tháng 12/2025 phải thông toàn tuyến. Với tinh thần quyết liệt nhất có thể, đề nghị Tập đoàn Đèo Cả nỗ lực hơn nữa tìm kiếm các giải pháp thi công mới, cách tiếp cận mới trong quá trình thi công hầm số 3 để thông hầm và đồng bộ toàn tuyến trong năm 2025", Bộ trưởng chỉ đạo.
Theo Bộ trưởng, đó là nhiệm vụ khó khăn, song lại có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu thông toàn tuyến trong năm 2025, vượt tiến độ 8 tháng so với yêu cầu đặt ra thì đây sẽ là công trình tiêu biểu, có ý nghĩa thiết thực để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
"Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát, chỉ đạo chặt chẽ nhưng cũng phải tạo điều kiện để nhà thầu có điều kiện đầy đủ nhất, thuận lợi nhất trong suốt quá trình triển khai dự án từ thi công đến nghiệm thu, đặc biệt là giải ngân, thanh toán.
Phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy tiến độ bằng nỗ lực của các bên. Đề nghị địa phương giải quyết dứt điểm mặt bằng, sớm bàn giao cho nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Công trình hoàn thành sớm ngày nào sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội sớm ngày đó, thu hút đầu tư, tạo xung lực mới cho các địa phương nơi dự án đi qua và cả nước nói chung", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, có chiều dài 88km đi qua địa bàn hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km và đoạn qua tỉnh Bình Định dài 27,7km.
Dự án có điểm đầu tại Km0, thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi và điểm cuối tại Km88 (trước giao cắt tỉnh lộ 629), thuộc địa phận phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 20.469 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án 2 được giao làm chủ đầu tư. Công trình khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 9/2026.
Hình ảnh Bộ trưởng thị sát cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn