Bộ trưởng GTVT: Sẽ ngăn tiêu cực đăng kiểm từ sớm, từ xa
Với những việc đã và đang làm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết công tác thanh tra sẽ chặt chẽ hơn để ngăn tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm.
Trong ngày cuối cùng của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề về lĩnh vực quản lý của ngành.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và tiếp tục đặt câu hỏi là hoạt động của các trung tâm đăng kiểm.
Đã cơ bản giải quyết ùn tắc đăng kiểm
Trả lời câu hỏi tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) về sai phạm trong hoạt động đăng kiểm vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm và trung tâm đăng kiểm thời gian vừa qua là rất đau xót.
Nhận trách nhiệm của Bộ GTVT ở góc độ quản lý Nhà nước, song Bộ trưởng cũng chia sẻ, có tới 75% các trung tâm đăng kiểm là của doanh nghiệp tư nhân. Chính vì thế, khi đồng loạt nhiều trung tâm bị điều tra, không phải muốn khôi phục lại là khôi phục ngay được.
“Đặc biệt là những cán bộ bị khởi tố, bắt giam chủ yếu là đăng kiểm viên bậc cao. Thường thì các trung tâm có rất ít đăng kiểm viên bậc cao, mà những người này giữ vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, việc điều động để thay thế ngay rất khó, vì để đào tạo được một đăng kiểm viên bậc cao cần rất nhiều thời gian”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng ùn tắc đăng kiểm, Bộ GTVT đã kịp thời có nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
“Đến giờ phút này, đã cơ bản giải quyết được việc ùn tắc. Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe. Như vậy, một loạt những vấn đề liên quan đến điều kiện hoạt động của trung tâm đăng kiểm đã cơ bản được đảm bảo.
Chỉ còn vấn đề giá dịch vụ, như hôm qua tôi đã báo cáo, nội dung này đã được chúng tôi phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Giá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Không chấp nhận việc thanh tra kêu khó phát hiện sai phạm
Đồng tình và đánh giá cao những giải pháp để sớm ổn định hoạt động đăng kiểm mà Bộ GTVT đã đưa ra thời gian rất ngắn, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cho rằng, để hoạt động đăng kiểm không rơi vào tình trạng như thời gian qua thì cần phải phân định trách nhiệm của Bộ GTVT và các địa phương.
“Tôi đề nghị phải có quy định hết sức cụ thể để tăng cường công tác thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời vi phạm”, ông Nam nêu quan điểm.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hoạt động đăng kiểm tương đối khép kín, cho nên khi thanh tra vào cuộc chỉ kiểm tra được trên hồ sơ.
Nêu thực tế có việc các trung tâm đăng kiểm sử dụng phần mềm để can thiệp, làm thay đổi số liệu hợp thức hóa hồ sơ, và nếu thanh tra với nghiệp vụ bình thường thì không thể phát hiện được, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng không thể phủ nhận lực lượng thanh tra làm chưa hết trách nhiệm.
“Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, tôi đã yêu cầu 2 việc cần làm ngay. Một là tổ chức thanh tra đối với hệ thống đăng kiểm, thứ 2 là thanh tra đối với việc sát hạch, cấp phép giấy phép lái xe.
Với đăng kiểm, khi thanh tra báo cáo là gặp khó khăn khi phát hiện sai phạm, tôi không chấp nhận và yêu cầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Vì sao cơ quan điều tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện được mà thanh tra chuyên ngành lại không?”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, với việc Nghị định 30 sửa đổi Nghị định 139 vừa được ban hành, đây là những điều kiện, cơ sở để trong thời gian tới công tác thanh, kiểm tra hiệu quả, thực chất hơn, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân cũng rõ hơn.
Phân quyền cấp phép, gắn trách nhiệm ngăn tiêu cực
Đặt câu hỏi tranh luận, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) băn khoăn về việc phải chăng sai phạm trong đăng kiểm vừa qua là do khi xã hội hóa các trung tâm, đã thiếu sự kiểm tra, giám sát?
Trao đổi lại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, chỉ trong vài năm qua, số lượng trung tâm đăng kiểm đã tăng lên 281 cơ sở, vượt cả quy hoạch mạng lưới đăng kiểm đến năm 2030. Chính vì việc trung tâm đăng kiểm nở rộ nên đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh rồi dẫn đến tiêu cực.
Nhận diện được vấn đề này, Nghị định 30 sửa đổi Nghị định 139 đã đưa nội dung phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở GTVT các địa phương và siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm.
Việc phân quyền này cũng gắn với trách nhiệm cụ thể, nên chắc chắn công tác kiểm soát đăng kiểm sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều.
Loạt giải pháp đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường
Trước đó, chiều 7/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đã nhận được hàng loạt câu hỏi chất vấn liên quan đến hoạt động đăng kiểm. Nhiều giải pháp căn cơ đã được ông nêu ra để các đại biểu và cử tri cùng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước có xấp xỉ 2.000 đăng kiểm viên, nhưng đến nay, sau khi xảy ra sai phạm liên quan các trung tâm, số lượng chỉ còn 2/3 so với trước. Trong khi đó, để tuyển dụng được một đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian đào tạo, tuyển dụng và trải qua nhiều bước.
Thông tin về việc Cục Đăng kiểm VN đã chuẩn bị được 350 nhân lực đăng kiểm viên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng điều chỉnh lại văn bản quy định hoạt động đăng kiểm, để không nhất thiết một dây chuyền cần đủ ba đăng kiểm viên.
"Tôi cam kết hết tháng 6, chậm nhất không quá đầu tháng 7 hoạt động đăng kiểm sẽ trở lại bình thường", Bộ trưởng nói.
Ông chia sẻ, không phải đến khi xảy ra tiêu cực đăng kiểm mà ngay từ khi về nhận công tác, ông đã chủ động nghiên cứu để điều chỉnh các quy định đăng kiểm phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, Bộ GTVT đã ban hành thông tư miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm với xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Việc này giúp giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp rất lớn. Riêng việc giãn chu kỳ đăng kiểm được tiến hành tự động cho 1,39 triệu xe.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, còn ba việc cần xử lý để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường.
Thứ nhất là điều chỉnh cơ chế tài chính theo hướng loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá do Nhà nước quản lý, bởi việc này cần để thị trường quyết định. Như vậy, mới đảm bảo thu nhập cho đăng kiểm viên. Việc này đang được nghiên cứu.
Thứ hai, ngành GTVT cũng đang tập trung đào tạo đăng kiểm viên để trong ba tháng có đủ lực lượng bố trí đủ cho tất cả trung tâm đăng kiểm. Các dây chuyền đăng kiểm khi đủ nhân lực sẽ hoạt động trở lại bình thường.
Thứ ba, công nghệ thông tin cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong đăng kiểm để giảm công việc thủ công; việc đăng ký, đăng kiểm, thanh toán được thực hiện qua mạng, không còn xếp hàng như trước đây nữa.