Bộ trưởng Lương Tam Quang giải trình một số nội dung của dự án Luật Phòng, chống mua bán người

Cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đề nghị làm rõ hơn quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết và những nội dung lớn sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng chống mua, bán người. Dự thảo Luật đã bổ sung những nguyên tắc và chính sách quan trọng của Nhà nước về phòng, chống mua bán người như chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, quy định về miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật này, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đóng góp một số ý kiến cụ thể:

Thứ nhất, tại các Điều 38-41, 44 của Dự thảo Luật quy định đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ là nạn nhân, người đang trong quá trình xác nhận là nạn nhân. Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo đề nghị, bổ sung đầy đủ hơn.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) phát biểu

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) phát biểu

Thứ hai, về quy định miễn trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật này, tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể không bị xử phạt hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho rằng, việc bổ sung nội dung này là cần thiết. Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân có thể không bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối chiếu với quy định của Bộ Luật Hình sự và xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì không có quy định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn xử phạt hành chính. Nếu quy định như Dự thảo, cơ quan có thẩm quyền không đủ căn cứ triển khai trong thực tiễn.

Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị cơ quan soạn thảo quy định những trường hợp, những hành vi nạn nhân bị ép buộc không bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong Dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ Luật Hình sự vào trường hợp không bị xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện khi Luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) thảo luận

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) thảo luận

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu) góp ý vào các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, cần bổ sung thêm một khoản quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, Điều 26 dự thảo quy định tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, đại biểu cho rằng, quy định như tại khoản 1 Điều này sẽ bó hẹp đối tượng được quyền trình báo, tố giác hành vi, mua bán người, vì thực tế không phải nạn nhân nào cũng có thể tự đến hoặc có người đại diện hợp pháp đến cơ quan trình báo vụ việc mua, bán người. Đồng thời, điều này có thể hạn chế quyền trình báo, tố giác của người dân, cộng đồng khi phát hiện vụ việc mua, bán người. Vì vậy, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Cũng theo Bộ trưởng, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-truong-luong-tam-quang-giai-trinh-mot-so-noi-dung-cua-du-an-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-post580623.antd