Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tháo điểm nghẽn của điểm nghẽn, tạo đột phá của đột phá
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh hai vấn đề cần quan tâm là đổi mới thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Trong hai ngày 29 và 30-10, Quốc hội (QH) nghe và thảo luận về các dự luật theo phương thức “một luật sửa nhiều luật” thuộc lĩnh vực đầu tư, tài chính. Mục tiêu lập pháp trong các dự luật này, như Chính phủ khẳng định nhiều lần là nhằm “kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền”… để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển hơn nữa.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá”.
Quốc hội đồng hành, ủng hộ quyết liệt
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, cảm nhận của cử tri và nhân dân, đặc biệt là các chuyên gia, doanh nghiệp khi theo dõi QH kỳ này là lập pháp, kiến tạo thể chế có thể đang theo hướng gỡ vướng, tháo cởi khó khăn?
+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta thấy tại kỳ họp thứ tám này, Chính phủ trình QH rất nhiều luật sửa đổi liên quan đến đầu tư kinh doanh nhằm giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền, đồng thời đẩy mạnh khai thác, thu hút nguồn lực, năng lực thực hiện dự án của địa phương, các thành phần kinh tế.
Nếu được QH thông qua, các chính sách này sẽ góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn lực để phục vụ phát triển, từ nguồn lực đầu tư nhà nước, nguồn lực tư nhân đến vốn nước ngoài. Đây cũng chính là những điều mà Chính phủ đã tiến hành quyết liệt, tập trung cao độ thời gian qua.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những yêu cầu rất cao đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Chẳng hạn “chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Hay như cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, chúng ta thấy sự đồng hành, ủng hộ quyết liệt từ QH, Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH và các đại biểu QH đối với Chính phủ thông qua các chính sách, cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế và bức xúc của xã hội. Chúng tôi rất trân trọng sự đồng hành, ủng hộ này.
. Vừa rồi ông có nói đến sự quyết liệt, tập trung cao độ trong xây dựng thể chế của Chính phủ. Điều đó được thể hiện thế nào?
+ Chính phủ luôn xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Xây dựng thể chế được xác định là một trong ba đột phá chiến lược hỗ trợ phát triển của nền kinh tế. Chính phủ đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác, tổ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Trong gần 10 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, ban hành 142 nghị định, 258 nghị quyết; Thủ tướng ban hành 1.370 quyết định, 40 chỉ thị, 110 công điện. Chính phủ tổ chức ba phiên họp của Ban chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc pháp lý do Thủ tướng làm trưởng ban.
Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua 13 luật, 23 nghị quyết, cho ý kiến đối với 11 dự án luật, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1-8-2024.
Đáng chú ý, vừa qua Chính phủ đã lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh.
Cạnh đó là tập trung xử lý các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án nêu trong Đề án 153; tích cực triển khai các biện pháp để gỡ thẻ vàng IUU; các dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án đường dây 500 KV mạch 3…
Trong thẩm quyền của mình, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.000 quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính; cung cấp thêm gần 1.800 dịch vụ công trực tuyến, đạt 4.400 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính.
Đó có thể là những “con số biết nói” về sự tập trung cao độ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong thời gian qua.
Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
. Trong dự án Luật Đầu tư công do Bộ KH&ĐT soạn thảo, đề xuất Chính phủ trình QH xem xét thông qua lần này thì điểm nào là nổi bật?
+ Tôi cho rằng tinh thần chung trong các dự luật mà Chính phủ trình QH kỳ này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định trong báo cáo của Chính phủ trước QH. Đó là “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Chính phủ, QH giữ vai trò kiến tạo” và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, chuyển tư duy xây dựng luật từ quản lý sang quản lý kiến tạo cho phát triển, chuyển từ quản lý “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Trên tinh thần đó, với sự ủng hộ của QH, Ủy ban Thường vụ QH và các đại biểu QH thì nhiều thẩm quyền của QH sẽ được phân cho Ủy ban Thường vụ QH; nhiều thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ QH sẽ được phân cho Chính phủ, nhiều thẩm quyền từ Chính phủ, Thủ tướng sẽ được phân xuống cho các bộ, địa phương, phân cấp từ HĐND cho UBND, chủ tịch UBND cùng cấp.
Chẳng hạn, trong dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Chính phủ đề xuất đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền cho phép địa phương được dùng ngân sách địa phương để tham gia đầu tư các công trình của Trung ương, hay cho địa phương này được dùng ngân sách để đầu tư dự án địa phương khác…
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án cũng được giải quyết triệt để, dự thảo luật đã phân định rõ ba bước của dự án (chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, thực hiện dự án) kết hợp với việc cho tách giải phóng mặt bằng đối với tất cả dự án sẽ giúp cho quá trình thực hiện dự án được đẩy nhanh 6-8 tháng.
Hay dự thảo luật cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ QH cho Chính phủ, Thủ tướng.
Nếu QH ủng hộ và thông qua quy định này thì trình tự, thủ tục sẽ được rút ngắn ba bước, giảm thời gian 2-3 tháng, tạo sự chủ động cho Thủ tướng trong điều hành, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có căn cứ để thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Chuyển đổi tư duy xây dựng thể chế
. Tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ QH, tôi thấy Ủy ban Thường vụ QH và Bộ trưởng có vẻ đã gặp nhau về “thủ tục đầu tư đặc biệt” khi thảo luận về dự luật sửa đổi Luật Đầu tư và các luật khác liên quan?
+ Đó là định hướng thiết kế “luồng xanh” những dự án đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao (CNC) hoặc sản xuất sản phẩm CNC theo danh mục Thủ tướng ban hành. Doanh nghiệp/nhà đầu tư thực hiện dự án CNC thuộc lĩnh vực này vào KCN, khu CNC, các khu kinh tế… chỉ cần đăng ký đầu tư và trong vòng 15 ngày sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nhà đầu tư/doanh nghiệp cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, PCCC, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép/phê duyệt trong lĩnh vực này như giấy phép xây dựng, phòng cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)… (dự kiến sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Nhà đầu tư có trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt và gửi cơ quan quản lý nhà nước báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để giám sát.
Như vậy, nhà đầu tư sẽ tự làm thủ tục xây dựng và phê duyệt báo cáo ĐTM, PCCC theo tinh thần tự làm, tự chịu trách nhiệm chứ không phải trình lên cấp trên như trước đây. Cũng chính bởi bản thân các KCN đã thực hiện ĐTM, PCCC nên cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm.
Đây là nội dung đột phá nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thể hiện cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trước mắt là như vậy, trong tương lai thì tinh thần, định hướng “phân cấp phân quyền”, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp sẽ còn được triển khai mạnh hơn, rộng hơn. Việc này giúp nhà đầu tư không tốn thời gian làm các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư nhằm tận dụng nhanh nhất các cơ hội phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia hiện nay để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Đây cũng chính là đổi mới tư duy quản lý chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Nếu quy định này được QH đồng ý bổ sung thì thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án đầu tư vào KCN sẽ được rút ngắn, năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các nhà đầu tư chiến lược sẽ được nâng cao.
Khôi phục dự án BT, giảm áp lực về vốn đầu tư công
. Một điểm cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm là hình thức BT trong PPP sẽ được khôi phục lại. Có lẽ cũng còn không ít băn khoăn đối với hình thức đầu tư này khi mà BT đã bị loại ra khỏi các hình thức đầu tư trước đây?
+ Trước hết phải khẳng định rằng trong hơn ba năm thực hiện Luật PPP có 31 dự án mới đang được triển khai thực hiện và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Những dự án này đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỉ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỉ đồng vốn nhà nước.
Các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000 km đường cao tốc, hai cảng hàng không tiêu chuẩn cấp 4C, ba công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, ba nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Về hình thức đầu tư BT, từ năm 2021 không còn được áp dụng. Nguyên nhân xuất phát từ một số bất cập về mục tiêu đầu tư không phù hợp, tính cần thiết không cao, giá trị công trình BT được xác định không chính xác, đa số dự án có suất đầu tư cao hơn so với dự án sử dụng vốn đầu tư công; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh; công tác giám sát bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm…
Tuy vậy, hiện nay, huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tăng mạnh nên hình thức BT được Chính phủ đề xuất áp dụng trở lại theo hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế thực hiện. Hình thức đầu tư BT vẫn có những đóng góp nhất định và một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An… vẫn đang được QH cho phép áp dụng.
Nếu được QH đồng thông qua, chắc chắn các dự án BT sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tại các địa phương, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân, giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công; góp phần đáng kể cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng nhà ở, dịch vụ, hình thành các đô thị mới, khu dân cư mới…
Hay – mới thì phải làm
. Ông kỳ vọng gì vào tương lai gần khi các luật theo phương thức “một luật sửa nhiều luật” trong lĩnh vực đầu tư – tài chính được QH thông qua lần này? Và tinh thần mà chúng ta cần duy trì trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là gì?
+ Tôi cho rằng thể chế, luật, pháp luật sẽ góp phần rất lớn trong thu hút vốn đầu tư phát triển, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Chắc chắn rằng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt yêu cầu, thậm chí có thể hoàn thành kế hoạch do các vần đề trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh, đùn đẩy… sẽ được giải quyết.
Thực ra, Chính phủ đã nhận diện và có những hành động cụ thể. Chúng ta cần một thể chế, một hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn và kiến tạo hơn để thực hiện các mục tiêu vì dân, vì nước mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Còn về tinh thần chung, tôi nghĩ, ngoài quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, QH, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó chú trọng ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu thì chúng ta hãy lấy câu nói của Bác Hồ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trích dẫn hôm khai mạc QH để suy ngẫm và hành động.
Đó là: "Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm".
. Xin cảm ơn ông.
Đã rà soát được 160 dự án đắp chiếu
Mới đây, Thủ tướng đã lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Trưởng ban là Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, tôi là Phó Trưởng Ban cùng rất nhiều các trưởng ngành khác.
BCĐ sẽ rà soát các dự án ách tắc, đang đắp chiếu trùm mền cả chục năm nay, trên cơ sở đó sẽ phân loại xem đâu là lỗi của nhà đầu tư, đâu là lỗi của nhà nước để tìm ra cách xử lý. Đảm bảo nguyên tắc không hợp pháp hóa cái sai mà phân rõ trách nhiệm và tìm ra cách giải quyết từng nhóm vấn đề. Nếu làm được, sẽ khơi thông cho nền kinh tế.
Hiện, chúng tôi mới rà soát được 160 dự án với 59.000 tỉ đồng, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều. Lần này, chúng ta sẽ tổng rà soát cả nước xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp.
Tất nhiên, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đắp chiếu không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp ngay cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người dân. Chính phủ đang quyết tâm rất lớn song cũng xác định đây là vấn đề rất khó. Nguyên nhân là nhiều dự án đắp chiếu quá lâu, nhiều trường hợp sai phạm phức tạp kéo dài, phạm vi rộng.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG
******
Ý KIẾN ĐẠI BIỂU
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật NGUYỄN PHƯƠNG THỦY (đoàn Hà Nội):
Tập trung đổi mới quy trình xây dựng pháp luật
Dù ghi nhận những thành tích đạt được nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận như bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Nhiều đại biểu vừa qua đã có ý kiến dù luật của chúng ta thông qua rất nhiều nhưng chất lượng pháp luật cũng không thực sự đồng đều, rất nhiều đạo luật vừa mới thông qua nhưng đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc có sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật, các nghị quyết…
Có thể thấy công tác tổng kết, đánh giá, rà soát pháp luật trong từng lĩnh vực dù đã được Chính phủ và các bộ, ngành đẩy mạnh và làm tương đối thường xuyên nhưng chất lượng chưa được như mong muốn. Nhiều kết quả rà soát pháp luật còn mang tính đối phó và tương đối hình thức. Bởi vậy, hệ thống pháp luật của chúng ta rất thiếu tính ổn định…
Trong sáu nhiệm vụ Tổng Bí thư nêu, chúng tôi đặc biệt thấy cần phải nhấn mạnh và tập trung vào đổi mới về quy trình xây dựng pháp luật.
Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội (QH) và Ủy ban Thường vụ QH đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện đề án về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật ở QH cũng như trong cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch QH đã đề cập rất nhiều lần rằng QH chỉ thông qua luật, ban hành luật về những vấn đề thuộc thẩm quyền. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương phải để cho các cơ quan này thực hiện.
Vấn đề này, Tổng Bí thư cũng đã yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm sao địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có một văn bản nào, ngay cả từ hiến pháp xác định rõ những vấn đề nào là thẩm quyền của QH, vấn đề nào là thẩm quyền của Chính phủ hay của bộ, ngành. Do đó, việc phân định rõ về mặt thẩm quyền là một cơ sở hết sức quan trọng cho việc hoàn thiện quy trình lập pháp cũng như đổi mới công tác về xây dựng pháp luật.
Chúng tôi rất quan tâm vấn đề này và mong muốn sẽ có sự nghiên cứu thấu đáo và chuẩn bị rất kỹ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
-----
Phó Tổng Thư ký QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật NGUYỄN TRƯỜNG GIANG:
“Phải đúng vai, thuộc bài”
Các lãnh đạo QH gần đây liên tục nhắc tới đổi mới tư duy làm luật, không quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành. Tuy nhiên, đổi mới gì thì đổi mới cũng phải đúng vai. Theo đó, những nội dung thuộc thẩm quyền của QH, QH phải quy định; thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ phải quy định và thẩm quyền của bộ thì bộ quy định.
Từ trước đến nay, chúng ta đã làm đúng chưa? Phải nói rằng có những lúc chúng ta quá sa đà vào quy trình thủ tục, mà quy trình thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 27 về tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp, cũng yêu cầu luật phải cụ thể nhưng cụ thể gì đi nữa cũng phải đúng thẩm quyền đã. Việc chúng ta chỉ đạo để đúng vai, đúng thẩm quyền là hoàn toàn chính xác. Vấn đề ở chỗ như thế nào là đúng thẩm quyền? Cái đó trước hết phải đúng vai, thuộc bài.
-----
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội ĐỖ THỊ LAN (đoàn Quảng Ninh):
Làm rõ nguyên tắc, tiêu chí, tránh phải chờ hướng dẫn
Rất nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề cải cách thể chế. Chúng ta đang thực hiện cải cách thể chế theo chủ trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương, địa phương quyết thì địa phương chịu trách nhiệm.
Ở vấn đề này, chúng tôi đề nghị cần làm rõ về nguyên tắc, tiêu chí và về các văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện, tránh trường hợp luật khung, giao thẩm quyền ban hành văn bản chi tiết cho Chính phủ, bộ, ngành và địa phương nhưng không rõ về nguyên tắc, tiêu chí, phải chờ ban hành các văn bản cụ thể.
Mặt khác, cũng cần phải tháo gỡ những vướng mắc khi chúng ta phân cấp, phân quyền theo cơ chế mới này. Nhiều nội dung phân cấp, phân quyền cho địa phương thì phải nêu rõ giải pháp để tổ chức thực hiện như thế nào?
-----
Đại biểu QH TRẦN HOÀNG NGÂN (đoàn TP.HCM):
Ủng hộ dùng “một luật sửa nhiều luật” để gỡ các điểm nghẽn
Vừa rồi, Chủ tịch QH khi phát biểu trên nghị trường đã đề cập đến việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, ủng hộ dùng một luật sửa nhiều luật. Lần này, chúng ta sửa rất nhiều luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Trong nội dung làm luật lần này, tôi rất quan tâm tới việc thông qua nghị quyết của QH về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này sẽ tháo gỡ được các “điểm nghẽn” hiện nay.
Tương tự, việc sửa Luật PPP sẽ giúp gỡ cho các dự án đang ách tắc hiện nay. Khu vực dân doanh cũng vậy, rất nhiều dự án bị vướng một số quy định của thể chế, nếu chúng ta gỡ được chỗ này, khu vực dân doanh sẽ tăng trở lại, kể cả đầu tư của thị trường bất động sản…
Tôi ủng hộ các luật và nghị quyết thông qua lần này, bởi điều này sẽ giúp phát huy được vốn ở khu vực dân doanh trở lại với tổng vốn đầu tư kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn.