Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Cần cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt

Sáng 7/2/2025, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật lần này so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã giảm tới 39 điều (từ 89 điều xuống còn 50 điều) và thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội, đó là vấn đề gì thuộc thẩm quyền Quốc hội thì quy định rõ trong luật này, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì quy định Chính phủ sẽ hướng dẫn.

"Về một số vấn đề hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, về nguyên tắc chúng tôi xin được nghiêm túc tiếp thu và sẽ có giải trình cũng như hoàn thiện để trình chính thức trong kỳ họp Quốc hội tiếp theo" - Bộ trưởng cho hay.

Báo cáo cụ thể về 2 nội dung được nêu ra tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ một số vấn đề sau:

Một là, về ưu đãi đầu tư, hóa chất là một ngành công nghiệp trọng điểm, được xác định là một trong những ngành công nghiệp nền tảng. Cho nên, rõ ràng về nguyên tắc cần phải có một cơ chế, chính sách ưu đãi rất đặc biệt.

Trong Luật Đầu tư thì quy định chung về những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. "Nhưng đây là một luật chuyên ngành, tôi nghĩ cần giao cho Chính phủ quy định, hướng dẫn cụ thể những dự án nào, trường hợp nào được hưởng những cơ chế ưu đãi gì?" - Bộ trưởng phân tích.

Theo Bộ trưởng, những cơ chế ưu đãi được nêu trong dự thảo lần này thì giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan thẩm tra đã có sự thống nhất rất cao, cho rằng thực hiện được như phương án này và Chính phủ sẽ có những hướng dẫn cụ thể nữa thì các cơ chế ưu đãi khác về đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực... sau này Chính phủ có những quy định hoặc căn cứ vào các quy định của luật chuyên ngành để triển khai thực hiện.

Hai là,sự đồng bộ giữa Điều 35, 31 và Điều 41 khi nói về xử lý sự cố hóa chất sao cho đồng bộ với các luật có liên quan như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Phòng thủ dân sự. Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng tôi rất đồng tình và sẽ nghiên cứu để thực hiện điều này không mâu thuẫn với các luật có liên quan. Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ phải nghiêm túc tiếp thu, song ngay tại cuộc này chưa thể báo cáo được thể hiện như thế nào cho phù hợp.

Phân công rõ trách nhiệm trong quản lý hóa chất

Báo cáo thêm về lĩnh vực quản lý nhà nước trong hóa chất thống nhất một đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ đã thực hiện đầy đủ chức năng, có đề xuất Bộ Công Thương và các bộ, các cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hóa chất theo từng ngành, từng lĩnh vực theo phạm vi quản lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Phương án này có một ưu điểm là phân công rõ trách nhiệm và tận dụng được kinh nghiệm của các bộ, các ngành trong quản lý và sẽ không có sự thay đổi nhiều so với Luật Hóa chất hiện hành. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 8 có rất nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thống nhất một đầu mối quản lý về nhập khẩu, kinh doanh hóa chất để bảo đảm không chồng chéo giữa các bộ và thống nhất chỉ có một quy định quản lý đối với một loại hóa chất.

Cơ quan chủ trì soạn thảo thấy rằng, ý kiến nêu trên của đại biểu Quốc hội rất hợp lý. Bởi vì thực tế hiện nay hóa chất lưu thông trên thị trường không thể xác định được chính xác mục đích sử dụng và do bộ, ngành nào quản lý. Điều này, dẫn tới tình trạng là một số doanh nghiệp khai báo chưa trung thực về mục đích sử dụng để lựa chọn cơ chế kiểm soát thông thoáng hơn khi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh. Từ đó, hóa chất đưa ra thị trường một cách bất hợp pháp gây nên mất an toàn, an ninh và trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 97 chuyển ý kiến của Bộ Công an góp ý đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất biện pháp siết chặt quản lý cấp phép xuất nhập khẩu đối với N2O, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm theo hướng chỉ giao cho một bộ, ngành quản lý.

Do còn có những ý kiến khác nhau về nội dung nêu trên cho nên cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất quy định luật giao cho một cơ quan làm đầu mối quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, như nhiều ý kiến đại biểu nói rằng nên giao cho Bộ Công Thương, còn Chính phủ sau này sẽ quy định cụ thể.

Đối với hoạt động sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt và các hoạt động hóa chất đối với các loại hóa chất khác sẽ do các bộ, ngành tiếp tục quản lý như quy định hiện hành. "Việc bổ sung quy định nêu trên có ưu điểm là thống nhất về nguyên tắc quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất để Chính phủ có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, vẫn tận dụng được kinh nghiệm của các bộ, ngành trong quản lý hóa chất" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thống nhất một đầu mối quản lý về nhập khẩu, kinh doanh hóa chất để bảo đảm không chồng chéo giữa các bộ và thống nhất chỉ có một quy định quản lý đối với một loại hóa chất.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-giai-trinh-lam-ro-ve-luat-hoa-chat-sua-doi-372732.html