Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chỉ khi nào thoát nghèo về cơ sở vật chất, các trường đại học mới có thể phát triển mạnh mẽ
Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học. Bộ đã tiếp nhận 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học trong tổng số 6.500 ý kiến toàn ngành sư phạm.
Điểm nghẽn lớn về cơ sở vật chất
Buổi đối thoại tập trung vào các nội dung: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; việc tạm ngừng tăng học phí năm 2023 khiến các trường không có chi phí; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới, …
Về công tác nghiên cứu khoa học, TS Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ song song trong các trường đại học, cao đẳng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Trong nghiên cứu khoa học thì lêm chính học thuật, đạo đức nhà giáo luôn là chủ đề nóng trong cộng đồng những người làm khoa học.
Bên cạnh thế mạnh về thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, cần tập trung hơn vào lĩnh vực khoa học xã hội, cụ thể là khoa học giáo dục bởi liên quan đến đào tạo giáo viên, đào tạo nghề. Việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học cũng cần được tính kỹ, để thu hút giảng viên.
Lấy dẫn chứng ngôi trường mình đang công tác, TS Đinh Minh Hằng cho biết mỗi năm, trường Đại học Sư phạm Hà Nội dành 6-8 tỷ đồng/năm cho nghiên cứu khoa học, tức là mỗi giảng viên sẽ có 10-15 triệu đồng/năm để làm công việc này. Tuy nhiên, đây là con số chưa đủ lớn để thu hút giảng viên nghiên cứu khoa học.
Chính vì vậy, TS Đinh Minh Hằng muốn hỏi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thời gian tới Bộ sẽ có các giải pháp, chính sách ra sao để tạo động lực, khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học?
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề nghiên cứu khoa học rất quan trọng. Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học thể hiện năng lực của đội ngũ giảng viên. Từ năng lực khoa học đó, các trường sẽ giải quyết rất tốt vấn đề giảng dạy.
Tuy nhiên, kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng có hạn, Bộ chỉ đặt hàng nghiên cứu cơ bản phục vụ công tác quản lý. Do đó, các trường cần tìm hướng khác đặt hàng như doanh nghiệp - nơi cần đến kết quả nghiên cứu.
Về chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng thừa nhận, hiện đang có điểm nghẽn khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được, nguồn đầu tư cho nghiên cứu khoa học chưa cao và cần tháo gỡ thêm.
Bộ trưởng nhận định hiện tại các trường đại học cả công và tư cơ bản còn khá nghèo nàn. Hệ thống phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được ở góc độ đỉnh cao theo tầm quốc tế. Hai đại học quốc gia được đầu tư nhiều năm qua nhưng vẫn dở dang. Những khó khăn về cơ sở vật chất kéo theo hàng loạt hệ quả liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo Bộ trưởng, đây chính là điểm nghẽn lớn và cần có một chương trình mang tầm quốc gia để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cho các trường đại học. Chỉ khi nào thoát nghèo về cơ sở vật chất, các trường đại học mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Nhiều nơi chưa hiểu hết về tự chủ đại học nên việc thực hiện còn sai lệch
Tại cuộc đối thoại, PGS. TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Phòng Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu vấn đề khó khăn trong tự chủ đại học. Đại học Kinh tế Quốc dân cũng là một trong những trường được tự chủ toàn diện.
PGS. TS Phạm Thị Huyền cho rằng nhờ tự chủ, các trường mời được chuyên gia nước ngoài về Việt Nam, các trường tự chủ có thể huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp để xây dựng không gian học tập mang tầm quốc tế. Do đó, việc thu đúng, thu đủ học phí là cần thiết và để dư luận không còn phàn nàn.
Thế nhưng việc thiếu đồng bộ các quy định về tự chủ ở các trường khiến việc tự chủ còn nhiều bất cập. PGS. TS Phạm Thị Huyền đề xuất Bộ GD&ĐT rà soát quy định này để điều chỉnh trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần điều chỉnh thể chế để tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học.
"Nhiều nơi chưa hiểu hết về tự chủ nên việc thực hiện còn sai lệch. Tự chủ không có nghĩa các cơ sở giáo dục phải tự túc hoặc phó thác tự lo hết về kinh phí. Tự chủ đại học cũng không có nghĩa là thích gì làm nấy mà vẫn được đầu tư nhưng đầu tư như thế nào và bao nhiêu, là những vấn đề cần điều chỉnh và bàn bạc để thực hiện tốt thời gian tới", Bộ trưởng phát biểu.
Về vấn đề về liêm chính khoa học và tự chủ đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là những vấn đề vẫn còn khó khăn, nhất là về thể chế. Việc tự chủ còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ và điều chỉnh.
PGS. TS Phạm Ngọc Minh - Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Đại học Y Hà Nội cho biết, nhiều người làm ngành y vừa là thầy giáo, vừa thầy thuốc, trên vai khoác hai chữ thầy, vẻ vang hơn nhưng trách nhiệm nặng nề hơn. Thế nhưng đội ngũ này chỉ được hưởng một loại lương. Thời gian vừa qua, một số đội ngũ giảng viên ra khỏi cơ sở công lập để giảng dạy cơ sở tư nhân, không có gì giữ chân nếu họ muốn ra đi.
"Không có gì giữ chân họ được nếu họ muốn ra đi. Nếu muốn giữ phải giữ bằng tâm huyết chứ không thể giữ bằng các chính sách ràng buộc. Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục có chế độ chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành để giúp đào tạo ra các cán bộ y tế ưu tú nhất", PGS. TS Phạm Ngọc Minh bày tỏ.
PGS. TS Phạm Ngọc Minh cũng đề xuất Bộ GD&ĐT sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường Y. Theo đó, giảng viên Trường Đại học Y không nhất thiết phải có bằng thạc sĩ mà chỉ cần đáp ứng trình độ tương đương, như bác sĩ nội trú. Bởi trong ngành Y, bác sĩ nội trú có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao hơn thạc sĩ.
Về đời sống giảng viên, TS Trần Trọng Đạo - Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Nha Trang, cho biết nhiều thầy cô xin thôi việc, chuyển ngành hoặc du học mà không về, trong đó có cả người trình độ cao vì thu nhập tại trường không đảm bảo. Nếu vẫn còn theo nghề, các giảng viên sẽ kiêm thêm những công việc khác như bán hàng online, buôn bán bất động sản. Hậu quả của việc này là chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng.
Lắng nghe ý kiến của các trường tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh có nhiều việc phải làm với giáo dục đại học. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường đại học, có chính sách phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, cải thiện tài chính và ngân sách cho đại học.