Không hợp pháp hóa việc dạy thêm tràn lan
Sáng 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Nhà giáo. Qua thảo luận, vấn đề dạy thêm, học thêm tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật gồm 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8).
Dự thảo Luật Nhà giáo nhận được nhiều ý kiến góp ý của các ĐBQH, trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; quyền của nhà giáo được dạy thêm; quy định rõ hơn việc cấm ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức, không được dạy thêm đối với học sinh mình trực tiếp giảng dạy.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của người học và người dạy. Dự thảo Luật quy định cấm việc ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức (điểm c khoản 2 Điều 11). Việc tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm cần được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị chỉnh lý điểm c, khoản 2 Điều 11 theo hướng nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức và không được thu tiền học thêm, kể cả trường hợp học sinh tự nguyện đăng ký.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ý kiến của ĐBQH là xác đáng. Việc học thêm là nhu cầu có thật của người học, tuy nhiên việc ép buộc học sinh phải học thêm là không phù hợp. Dự thảo Luật quy định việc cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quy định cụ thể về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Qủan lý chặt chẽ, gắn trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm
Thảo luận về vấn đề này tại Phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu của xã hội và không thể quy hết cho giáo viên. Thực tế, nhiều gia đình tự nguyện đưa con đi học thêm tại các trung tâm như tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận. Ảnh: M. HIỂN
“Đây là nguyện vọng chính đáng. Khi có nguyện vọng của gia đình, giáo viên lựa chọn dạy thêm để có thêm thu nhập. Việc giáo viên bỏ thời gian cho gia đình, tạo lợi ích cho xã hội, tăng thu nhập cho bản thân là chính đáng” - đại biểu Thu nêu quan điểm.
Theo đại biểu, điều cần cấm là các hành vi tiêu cực ép học sinh học thêm. Do đó, Dự thảo Luật nên quy định “cấm tham gia dạy thêm trái quy định pháp luật”. Bởi hiện nay có nhiều hình thức không ép buộc nhưng vẫn gây áp lực khiến học sinh đăng ký đi học thêm, đặc biệt với học sinh cấp tiểu học.
Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ quy chế học thêm, dạy thêm và công khai các quy định để thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, rất khó để quy định như thế nào về “gợi ý” học thêm trong Luật. Do đó, cần có bộ quy tắc ứng xử riêng của nhà giáo để giải quyết vấn đề này.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, khi xin ý kiến về Dự thảo Luật tại địa phương, vấn đề dạy học ngoài chương trình chính khóa là nội dung có rất nhiều ý kiến.
Theo đại biểu, có ý kiến cho rằng, nếu quy định rõ ràng nội dung này trong Điều 7, sẽ giúp phân biệt được dạy chính khóa và dạy thêm, đồng thời tăng tính minh bạch, quản lý chặt chẽ gắn trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi dạy thêm.
Tuy nhiên, nội dung này đã được điều chỉnh riêng tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, do đó nếu đưa vào Điều 7 sẽ chồng chéo hoặc mâu thuẫn với văn bản hiện hành.
Hơn thế nữa, theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, dạy thêm không phải là hoạt động bắt buộc, mang tính phổ quát, nên nếu đưa vào Điều 7 (quy định cốt lõi của nghề nghiệp nhà giáo) có thể làm lệch định hướng phát triển nghề nghiệp giáo viên theo hướng chuẩn mực, sư phạm. Quan điểm của ngành giáo dục hiện nay là hạn chế dạy thêm, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông và học tập tích cực.
Bởi vậy, để không hợp pháp hóa việc dạy thêm tràn lan, đồng thời vẫn ghi nhận thực tế nghề nghiệp, giữ được tính pháp lý và định hướng đạo đức, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung thêm điểm e tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo Luật.
Cụ thể là, bổ sung nội dung: “Các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ theo đúng quy định của pháp luật, cũng được coi là một phần của hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ quy định quản lý dạy thêm, học thêm hiện hành”.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khong-hop-phap-hoa-viec-day-them-tran-lan-39997.html