Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp xúc cử tri

Cùng các ĐBQH thuộc Tổ bầu cử số 6, đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại buổi tiếp xúc cử tri.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại buổi tiếp xúc cử tri.

Chiều 10/7, tại xã Thanh Oai, TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ bầu cử số 6, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri 14 xã, phường thuộc tổ bầu cử số 6, sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo nhanh tới cử tri kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét, quyết định nhiều nội dung hệ trọng, có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Sau 35 ngày làm việc (đợt 1 từ 5/5 đến 29/5; đợt 2 từ 11/6 đến 27/6) với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao, trên cơ sở chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng và sắp xếp chương trình khoa học, hiệu quả, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

 Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Quốc hội thông qua 34 luật và 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền.

Trong đó, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất cao thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 34 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố.

Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh (giảm 29 tỉnh, tương đương 46,03%) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu (giảm 6.714 đơn vị, tương đương 66,91%).

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 14 luật, 2 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và quy định mới của Hiến pháp, đảm bảo tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… Quốc hội cũng đã thông qua nhiều nội dung quan trọng để tạo đột phá cho sự phát triển đất nước.

 Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội báo cáo tại buổi tiếp xúc cử tri.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội báo cáo tại buổi tiếp xúc cử tri.

 Cử tri gửi kiến nghị đến đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương.

Cử tri gửi kiến nghị đến đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đã trình bày tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của UBND thành phố.

Các cử tri đã gửi tới đại biểu Quốc hội và chính quyền địa phương các ý kiến, kiến nghị liên quan đến một số vấn đề như: Quy hoạch hành lang và vùng thoát lũ; giải quyết quyền lợi cho người bị thu hồi đất; chế độ bảo hiểm y tế cho cựu chiến binh; hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân; nộp thuế điện tử; nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ quản lý để ngăn chặn hàng giả, nhất là thuốc, thực phẩm chức năng và sữa, nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân…

Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.

Với bối cảnh là buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên của 14 xã, phường thuộc tổ bầu cử số 6 khi bắt đầu bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, ông Hà mong muốn các vấn đề sẽ sớm được giải quyết, đảm bảo quyền lợi và đời sống của người dân.

Hiếu Nguyễn (Ảnh: Nguyễn Mạnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-tiep-xuc-cu-tri-post739215.html