Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân'

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam sẽ tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế-xã hội, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu và ứng dụng bức xạ.

Có cơ chế đặc thù để triển khai nhanh xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Phát biểu giải trình một số nội dung về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sáng 15/5, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, điện hạt nhân được coi là điện xanh và điện nền, theo xu hướng chung của quốc tế thì điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 10-30% tổng nguồn cung cấp năng lượng quốc gia.

Đây cũng là chiến lược của các nước nhằm hướng tới mục tiêu tự chủ năng lượng, trung hòa carbon và tái định vị công nghệ quốc gia.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: BÙI GIANG)

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: BÙI GIANG)

Bộ trưởng nêu rõ, thông qua dự án Luật này, Việt Nam tiến tới làm chủ công nghệ năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế-xã hội, dần hình thành ngành công nghiệp hạt nhân bao gồm nhà máy điện hạt nhân và phát triển lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu và ứng dụng bức xạ; phát triển tiềm lực nội địa về công nghệ hạt nhân, về chế tạo trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng hạt nhân, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn.

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong chiến lược về xây dựng năng lực nội địa hóa giai đoạn đầu tiên thì ưu tiên năng lực chế tạo, trang thiết bị phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, quan trắc phóng xạ, đánh giá và thẩm định an toàn và sau đó là tiến tới năng lực nội địa hóa công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

Đối với xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo Luật cho phép sử dụng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh như áp dụng chỉ định thầu; sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán và các khoản chi cho thẩm định và đào tạo.

Đồng thời, quản lý an toàn bức xạ hạt nhân toàn bộ vòng đời qua nhiều giai đoạn của nhà máy hạt nhân, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi đến các giai đoạn sau cùng là đóng cửa, sau đóng cửa nhà máy điện hạt nhân. Các giai đoạn đều có thẩm định về an toàn bức xạ hạt nhân đủ điều kiện để làm tiếp các công đoạn sau.

Dự thảo Luật cũng thiết kế thành một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy; xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố, xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân.

Theo dự thảo Luật, Nhà nước sẽ có chính sách phát triển mạnh mẽ các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sinh, thực hiện phân loại mức độ rủi ro của tác động bức xạ đối với con người và môi trường để thực hiện xã hội hóa các ứng dụng một cách phù hợp, thúc đẩy đưa những thành tựu mới nhất của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ người dân, phát triển kinh tế-xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ, công nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, theo dự thảo Luật, Nhà nước cũng sẽ có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, có chính sách ưu đãi trọng dụng chuyên gia trong và ngoài nước, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ người được đi đào tạo bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng, nguyên tử.

Đề xuất bổ sung trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ

Trước đó, trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đối với nguyên tắc quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một nguyên tắc về trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: BÙI GIANG)

Theo đại biểu, nội dung này nên thể hiện rõ việc tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đến cùng với việc chất thải mình tạo ra ngay cả trong trường hợp chuyển giao cho bên thứ ba. Bởi thực tiễn nhiều quốc gia cho thấy, nếu không có quy định trách nhiệm đến cùng sẽ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc để lại gánh nặng cho Nhà nước xử lý hậu quả về môi trường. Đặc biệt, trong các trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc cố tình thoái thác nghĩa vụ.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ thêm nội dung trước khi được cấp phép tiến hành công việc bức xạ thì tổ chức, cá nhân phải trình bày kế hoạch xử lý chất thải phóng xạ đi kèm. “Việc kiểm soát chất thải ngay từ giai đoạn cấp phép sẽ giúp Nhà nước chủ động trong công tác quản lý, phòng ngừa rủi ro từ sớm; đồng thời, buộc chủ thể sử dụng nguồn phóng xạ có trách nhiệm toàn diện với hoạt động của mình, tránh tình trạng phát sinh chất thải mà không có phương án xử lý cụ thể”, đại biểu nhấn mạnh.

Về trách nhiệm của cơ sở quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đại biểu Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét quy định rõ về tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở quản lý chất thải phóng xạ đã qua sử dụng. Theo đó, không chỉ tuân thủ quy định quy chuẩn kỹ thuật mà còn phải có đánh giá tác động xã hội được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng ảnh hưởng.

Liên quan vấn đề xuất khẩu chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đại biểu kiến nghị bổ sung yêu cầu bắt buộc về đánh giá khả năng thu hồi trong trường hợp nước nhập khẩu phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng vi phạm cam kết. Đại biểu lý giải trong bối cảnh quốc tế biến động, không loại trừ khả năng quốc gia tiếp nhận chất thải, thay đổi chính sách hoặc mất kiểm soát, gây rủi ro pháp lý và môi trường cho Việt Nam nếu không có cơ chế phục hồi.

Thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Về phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật mới dừng lại ở định hướng có chính sách ưu đãi đối với việc đào tạo nhân lực chưa đưa ra cơ chế cụ thể và đủ mạnh để hỗ trợ thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao trong khi đây là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành bại của chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu đưa ra một số kiến nghị cụ thể đối với nội dung này. Trước hết, về chính sách học bổng đào tạo trong và ngoài nước, người học chuyên ngành Năng lượng nguyên tử tại các cơ sở được chỉ định được cấp học bổng toàn phần bao gồm học phí, sinh hoạt, phí và hỗ trợ tài liệu nghiên cứu thực hành.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên chuyên ngành Năng lượng nguyên tử cần được ưu tiên xét tuyển vào cơ quan quản lý nhà nước như Viện nghiên cứu, Nhà máy điện hạt nhân, thời hạn xét tuyển tối đa là 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.

Cũng theo đại biểu, về thu hút chuyên gia quốc tế cần có quy định Nhà nước khuyến khích ký hợp đồng chuyên gia ngắn hạn và dài hạn với các nhà khoa học, giảng viên, kỹ sư quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các chuyên gia này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 3 năm đầu tiên làm việc tại Việt Nam.

“Đặc thù lĩnh vực năng lượng nguyên tử đòi hỏi đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, lâu dài, có khả năng chịu trách nhiệm cao, nước ta còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, do đó cần có cơ chế thu hút cả nhân lực trong nước và quốc tế, cơ chế ưu đãi tài chính kết hợp cam kết phục vụ sau đào tạo là mô hình đã chứng minh hiệu quả trong các ngành chiến lược như hàng không, y học hạt nhân, điều khiển tự động”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-viet-nam-tien-toi-lam-chu-cong-nghe-nang-luong-hat-nhan-post879861.html