Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Công tác quy hoạch ngày càng đóng vai trò quan trọng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, qua gần 8 năm triển khai Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo các động lực phát triển và không gian phát triển mới.
Một số nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện
Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 44, chiều 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua gần 8 năm triển khai Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo các động lực phát triển và không gian phát triển mới.
“Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về quy hoạch cho thấy một số nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện như: trình tự, thủ tục còn mất nhiều thời gian; quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan liên quan còn chưa rõ ràng; quy định về nội dung quy hoạch còn trùng lặp, chưa bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nêu thực trạng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về quy hoạch cho thấy một số nội dung cần sửa đổi, hoàn thiện
Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia. Do vậy, cần rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện và điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, để phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Do đó, việc xây dựng và ban hành dự án Luật trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Dự thảo Luật bao gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 28 điều, khoản và 2 Phụ lục của Luật Quy hoạch với nội dung chủ yếu và điểm mới gồm: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch; đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch, để nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành theo Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quy hoạch.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật
Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, việc Chính phủ đề nghị xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp là có căn cứ, nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
“Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, thì cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch", ông Mãi nói.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, cũng như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu kết luận phiên thảo luận
Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện các bước theo quy trình tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi đến các Đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 6/5/2025. Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thông báo kết luận, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp./.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo thẩm tra cũng như việc Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.