Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn
Sáng nay (8/6), Quốc hội tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Theo chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục có 80 phút trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT).
Trong phiên chất vấn cuối giờ chiều qua, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi để sáng nay Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời.
Theo đó, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) phản ánh Quốc lộ 27 được đầu tư từ năm 2008 đến nay là 15 năm, tuy nhiên còn một số đoạn ngắn khoảng 20km chưa hoàn thành và cử tri đã liên tục kiến nghị qua 2 nhiệm kỳ gần đây nhưng các bộ ngành liên quan đều trả lời chưa bố trí được vốn.
Tương tự, tuyến tránh Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã khởi công từ năm 2017, thuộc dự án đầu tư cải tạo quốc lộ 20, với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay đã hoàn thành 70% khối lượng nhưng do vướng mắc nguồn vốn sau 6 năm thì vẫn chưa hoàn thiện.
Đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT có giải pháp sớm hoàn thành những công trình để đảm bảo an toàn giao thông, tránh lãng phí hiệu quả đầu tư công.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phản ánh về việc tiếp cận nguồn vật liệu thông thường như đất, cát, san nền là rất khó khăn khi thực hiện dự án hạ tầng giao thông. Đại biểu đề đề nghị Bộ trưởng cho biết vướng mắc, khó khăn và giải pháp nhằm để hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đúng thời hạn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị cho biết giải pháp phát triển vận tải biển khi nước ta có chiều dài bờ biển dài hơn 3.200km, tuy nhiên việc đầu tư, khai thác sử dụng chưa xứng tầm với lợi thế vốn có.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) thì đề nghị cho biết tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Liên quan đến chi phí logistics, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT về giải pháp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Dẫn ví dụ, số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa lại ít hơn trước khi sửa, ông Hiếu cho biết, trước khi sửa trung bình một giờ sân bay này có thể có từ 44 đến 46 lần cất hạ cánh. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn có 40 đến 42 lần cất hạ cánh trong một giờ.
“Chúng ta bỏ ra mấy nghìn tỷ để nâng cấp đường băng mà số lượng cất, hạ cánh lại giảm đi. Đấy là một sự điều tiết không đúng. Chính vì vậy, tôi nghĩ Bộ trưởng cần phải lưu ý hơn trong việc giảm chi phí logictics cho Việt Nam”, ông Hiếu đề nghị.