Bộ trưởng Nội vụ: Kiện toàn tổ chức tổng cục, đổi mới cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập
Một trong những kết quả nổi bật được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, đó là việc sắp xếp bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mới đây, tại Kết luận số 50-KL/TW, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả). Thưa bà, 5 năm qua, tổ chức bộ máy từ địa phương đến Trung ương đã có những thay đổi như thế nào?
Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu của bộ, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết, có thể thấy chúng ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên 3 lĩnh vực: sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và quản lý, tinh giản biên chế.
Về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2021, nhất là việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và cơ cấu lại tổ chức bên trong; giảm cấp trung gian, giảm đầu mối cấp tổng cục, cấp vụ, cấp phòng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là cấp phó và cán bộ giữ chức vụ hàm. Tinh giản biên chế vượt mục tiêu đề ra, tiết kiệm được ngân sách nhà nước...
Đến nay, tổ chức bộ máy của bộ, ngành giảm 301 đầu mối tổ chức bên trong, trong đó đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 11 cục, 143 vụ/ban; 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và giảm 108 phòng trong vụ.
Hiện đã có 26/27 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành được ban hành; còn nghị định của Thanh tra Chính phủ chưa được ban hành (3 bộ, ngành đề xuất tiếp tục thực hiện theo nghị định hiện hành, gồm: Bộ Công an, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Ở địa phương, sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức, số lượng cấp phó theo quy định của Chính phủ. Đến nay đã giảm 7 sở và 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 1.941 tổ chức bên trong sở (trong đó giảm 1.632 phòng và 309 chi cục thuộc sở) và giảm 46 tổ chức bên trong tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 585 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND huyện.
Bộ Nội vụ cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án sắp xếp thu gọn đầu mối và nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng dự thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện rất quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt là 45 tỉnh có nhiều đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo 50% tiêu chuẩn theo quy định. Sau 3 năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra, giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 561 đơn vị hành chính cấp xã.
Chúng tôi cũng đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030, báo cáo Chính phủ để trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025.
Một kết quả nổi bật khác tôi muốn đề cập đến là quản lý và tinh giản biên chế. Đến năm 2021, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước đã giảm 10,01%, biên chế viên chức giảm 11,67% so với năm 2015 (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị).
Đối với biên chế giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW, Quyết định số 73-QĐ/TW ngày 18/7/2022; theo đó giai đoạn 2022 - 2026 giảm 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Kết quả đạt được 5 năm vừa qua đã tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn và nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW đến năm 2030.
Theo Bộ trưởng, còn điều gì khó khăn, vướng mắc mà chúng ta chưa thể thực hiện?
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp, toàn diện đến nhiều tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Bên cạnh kết quả đạt được là nổi bật, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm thực hiện chưa cao, chưa gắn với hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nhất là chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức còn giao thoa, trùng lắp, trong khi đó cơ chế phối hợp chưa thực sự hiệu quả nên làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một số chủ trương mới về chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng nhân tài chậm được cụ thể hóa, thời gian gần đây có hiện tượng một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyển sang khu vực tư,...
Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc thực hiện nguyên tắc "Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính"?
Nguyên tắc "một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính" đã được đặt ra trong các nghị quyết, kết luận của Đảng từ khá sớm, từ Hội nghị Trung ương 5 khóa X, năm 2007.
Việc sắp xếp, điều chỉnh tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ qua các nhiệm kỳ Chính phủ và sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thời gian qua luôn bảo đảm quán triệt các nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính và thực hiện nhất quán nguyên tắc này. Trong đó, Chính phủ tiếp tục tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hợp lý; nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối. Tóm lại, ở Trung ương tổ chức bộ đa ngành, ở địa phương tổ chức cơ quan chuyên môn đa ngành.
Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, hiện nay còn một số nhiệm vụ có giao thoa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, như: Quản lý an toàn thực phẩm; quản lý môi trường (rác thải y tế); bảo hiểm y tế; quản lý đa dạng sinh học... Theo đó, trong Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (2021 - 2026), Bộ Nội vụ đã báo cáo, đề xuất Chính phủ giao cơ quan chủ trì (theo quy định tại pháp luật chuyên ngành) phối hợp với cơ quan có liên quan ban hành quy chế phối hợp để xác định rõ phạm vi, đối tượng quản lý, nội dung phối hợp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tổ chức thực hiện.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ "Nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV" một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện. Trên cơ sở đó, xác định rõ phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành; đồng thời nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành; qua đó hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính".
Trước đây, chúng ta vẫn đề cập câu chuyện ngân sách oằn mình vì gánh nặng biên chế. Xin Bộ trưởng cho biết việc giảm chi thường xuyên thời gian qua để thực hiện cải cách chính sách tiền lương?
Tinh giản biên chế là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, việc giảm biên chế trong 4 năm (2017 - 2021) đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước 25.638 tỷ đồng.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua thời điểm và phương án điều chỉnh tăng lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, thực hiện từ ngày 1/7/2023).
Đồng thời, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; trong đó, kinh phí tiết kiệm do tinh giản biên chế nêu trên là nguồn ngân sách nhà nước quan trọng để thực hiện tăng lương trong năm 2023 và các năm sau.
Vậy theo Bộ trưởng, bao giờ cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương theo bảng lương mới?
Lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là vấn đề rất được quan tâm bởi liên quan mật thiết đến đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế độ tiền lương mới để thay thế chế độ tiền lương hiện hành (Bộ Nội vụ đang xây dựng 1 dự thảo nghị định và 11 dự thảo thông tư).
Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp. Bộ Nội vụ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương và việc bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho cải cách chính sách tiền lương giai đoạn sau năm 2023.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ có giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
Chúng tôi sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành kiện toàn tổ chức của các tổng cục và tổ chức tương đương; đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ (từ khóa XII đến khóa XV), trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI.
Bộ cũng tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đề ra. Trước mắt trong năm 2023 tập trung xây dựng một loạt nghị định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; chính sách tinh giản biên chế; quy định về số lượng cấp phó; chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…
Ngoài ra, theo lộ trình kế hoạch đến năm 2026, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương,...
Bên cạnh đó là các giải pháp về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, quản lý biên chế giai đoạn 2023 - 2026 theo quy định của Bộ Chính trị; tham mưu cho Ban Chỉ đạo về xây dựng, quản lý vị trí việc làm để tổ chức triển khai việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!