Bộ trưởng Tài chính: Đã đề xuất nâng giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
Theo Bộ trưởng Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp và Bộ đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế vào chương trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân, mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay lại là thấp.
Ông dẫn chứng, theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, trong khi lương bình quân là 4,6 triệu đồng. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh so với lương cơ sở là cao.
Song, so sánh với mức sống đô thị của người dân, nhất là trong bối cảnh hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, ông Phớc cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp.
Theo ông, Bộ đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế vào chương trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, trước mắt, dự luật này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật. Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa các Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Bộ luật Thuế sửa đổi.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Trên cơ sở đó sẽ tính thu nhập gốc, tính mức bình quân tăng lương mỗi năm là 7-8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân - Bộ trưởng Tài chính cho biết.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trường hợp chỉ số CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng hiện nay được Bộ Tài chính lấy mức 9 triệu đồng (năm 2013) nhân với tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng của năm 2019 so với năm 2013 là 23%.
Cách tính này đúng luật nhưng được cho là chưa phù hợp, sát với thực tế cuộc sống, vì chờ CPI tăng 20% là quá lâu, sẽ thiệt thòi cho người lao động.
Với những người làm công ăn lương, giá cả chỉ cần biến động 10% đã ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu hằng ngày, vì chủ yếu chi cho nhu cầu thiết yếu, mà hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thường tăng cao hơn so với mặt bằng giá cả.
Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/1/2009 và sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014.
Thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.
Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Nhiều chuyên gia đã đề nghị các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân bởi luật này hiện có nhiều bất cập, lỗi thời, không sát với thực tế cuộc sống.