Bộ trưởng Tài chính tiết lộ kế sách hút vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, đẩy mạnh phát triển hệ thống quỹ đầu tư, cải cách thể chế là những giải pháp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam", diễn ra ngày 28/3.
Theo đó, với giải pháp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, ông Thắng cho hay, Bộ Tài chính đang yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, công ty niêm yết.
Đồng thời, từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung hàng hóa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: BTC.
Còn giải pháp đẩy mạnh phát triển hệ thống quỹ đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư; đa dạng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thiết lập các quỹ đầu tư mới trên thị trường.
Đặc biệt, nghiên cứu xem xét các chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán theo đúng bản chất hoạt động của quỹ đầu tư để thúc đẩy đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp này.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, bộ này đang chủ trì trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa tổng thể Luật Ngân sách nhà nước; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân; và sửa đổi, bổ sung 7 luật gồm: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất, nhập khẩu, để khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế.
Ngoài ra, một giải pháp khác là tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất thực hiện các dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa khu vực trong nước và nước ngoài.
Mặt khác, giải pháp khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được chú trọng. Theo ông Thắng, sẽ đẩy mạnh hợp tác công tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn bền vững, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh tốt tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo…
Song song đó, ban hành chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các các dự án có sức lan tỏa, tạo sự gắn kết giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Sở dĩ những giải pháp này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới, theo Bộ Tài chính, do tổng giá trị tài sản từ quỹ đầu tư chứng khoán còn khiêm tốn so với tiềm lực khi chỉ chiếm 6,5% GDP, trong khi Thái Lan ở mức 21% GDP và Malaysia là 52% GDP.
Cùng đó, hoạt động đầu tư trực tiếp vẫn còn những vướng mắc về thủ tục hành chính, thuế, hải quan và ngoại hối...
Bởi vậy, những giải pháp đưa ra nhằm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển đất nước, trong bối cảnh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ngưỡng 8% và phấn đấu hai con số vào các năm tiếp theo.