Bóng đá và tăng trưởng
Thành tích trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng luôn tạo nên những hiệu ứng tích cực đối với tình hình kinh tế-xã hội của một quốc gia.
Hãy lấy Pháp làm một ví dụ cụ thể. Năm 1998, kinh tế Pháp tăng trưởng 3,9%, cao hơn tới 1,1% so với năm 1997. Đây cũng là năm đội tuyển bóng đá Pháp đoạt chức vô địch World Cup. Hai năm sau đó, Pháp tiếp tục vô địch EURO 2000 và kinh tế nước này cũng tăng từ 3,4% trong năm 1999 lên 3,9%. Các phân tích chỉ ra, chiến thắng của tuyển Pháp đã kích thích tiêu dùng các hộ gia đình, từ đó thúc đẩy đầu tư, dẫn tới tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, giá trị những chiến thắng của bóng đá không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế. Năm 2018, Le Blues vô địch World Cup tại Nga nhưng các tính toán cho thấy, nền kinh tế Pháp hưởng lợi ít hơn nhiều so với thời điểm 10 năm trước. Lý do một phần bởi Le Blues đăng quang tại Nga chứ không phải trên đất Pháp. Nhưng chức vô địch World Cup 2018 được đánh giá đã giúp người Pháp xích lại gần nhau, làm giảm đi bức tranh ảm đạm do những vấn đề an ninh, chính trị và xã hội gây nên như tình trạng thất nghiệp gia tăng, kinh tế sa sút hay các vụ tấn công khủng bố.
Nhiều ví dụ khác cho thấy các chiến thắng trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung thực sự truyền cảm hứng cho cộng đồng, tác động tích cực tới bức tranh tổng thể của một quốc gia. Khi bàn về vấn đề này, không thể bỏ qua một khía cạnh nữa gắn liền với khái niệm kinh doanh thể thao. Ở các quốc gia phát triển, kinh doanh thể thao đóng góp một con số đáng kể vào GDP. Điển hình như Mỹ, kinh doanh thể thao đứng thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu, chiếm tỉ trọng 2,4% GDP. Nhà sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới chính là Trung Quốc (70%).
Nêu ra các vấn đề trên để thấy, chiến thắng của đội tuyển bóng đá U22 và thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 vừa qua thực sự có ý nghĩa lớn đối với đất nước. Nhưng điều này cũng đặt ra một yêu cầu đối với chúng ta, là bằng cách nào duy trì, phát huy được các thành tích đó, cũng như khai thác một cách tốt nhất các giá trị có thể đem lại.
Xét riêng trong bóng đá, có lẽ cần đặt câu hỏi tại sao bóng đá Việt Nam từ trước đến nay luôn được đánh giá cao về tiềm năng, nhưng phải đợi tới lúc HLV Park Hang Seo xuất hiện, chúng ta mới gặt hái được những thành tích như vừa qua. Ở đây đơn thuần chỉ là vấn đề chuyên môn hay còn những yếu tố khác? Giải đáp chính xác được câu hỏi này, bóng đá Việt Nam mới thực sự có nền tảng căn bản cho các bước đi trong tương lai của bóng đá và từ bóng đá tính toán đến phát triển kinh tế, du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/bong-da-va-tang-truong-1498607.tpo