Bông khát nắng

Một loài hoa dại đỏ rực anh đưa từ rừng về trồng trước nhà. Thoạt nhìn như loài Hướng Dương, cũng na ná như Thược Dược, nhưng không phải. Cây này sinh trưởng kỳ lạ hơn. Đối với nó, ánh nắng là nguồn năng lượng không thể thiếu, là chìa khóa của sự sống, tưới tắm sự sống. Thật lạ, cái nắng gay gắt miền Trung càng khiến hoa càng rực rỡ, chúm chím môi son, khi các loài khác đang khô héo. Chị gọi tên Bông khát nắng. Anh mỉm cười đồng ý như một lẽ thường tình. Ừ thì Bông khát nắng, kiểu như bông súng, hay điên điển vậy thôi. Tên rất miền Nam. Mà từ xưa vẫn thế, áp đặt của chị luôn được anh đồng tình không điều kiện, không một lời phản biện.

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Chuyến tàu giáp Tết vào Nam vắng khách. Chắc chắn rồi, đa phần người lao động đầu năm rời quê hương vào Nam làm ăn, cuối năm trở về quê sum vầy với gia đình nên vé tàu chiều Nam - Bắc phải đặt trước vài tháng, còn chiều Bắc - Nam chỉ lưa thưa vài người. Vậy nên cô nhân viên bán vé nhìn chị cười đon đả: Em lên toa nào cũng được, ngồi ghế nào cũng xong. Mệt thì đến toa giường nằm mà ngủ, cả đoàn tàu chẳng mấy người đâu.

Chị chọn đi tàu hỏa không phải một sự ngẫu nhiên, mà đó là kết thúc một cơ duyên với mảnh đất này, con người ấy. Ngày xưa cũng sân ga này, anh hờ hững đón chị mà nên duyên. Mảnh đất đầy nắng và gió cho chị thấy một xứ sở với những con người hiệp nghĩa kiểu miền Nam.

Rồi chị yêu tự bao giờ, yêu nắng, yêu gió, tình yêu như thấm vào từng thớ thịt của chị, như có thể nắm lấy, vuốt ve. Chị yêu từng miền tên gọi bi thương của chiến tranh, từng nỗi đau chia cắt của dòng sông hiền hòa, từng bông cúc dại ven đường...Yêu như chưa bao giờ được trải lòng đến thế. Và bây giờ, thời khắc giao thoa đất trời, người người sum vầy thì con tàu hoàn thành sứ mệnh kỳ lạ mang chị trở lại miền Nam như một vòng luân hồi kiếp nhân sinh. Chị gọi nó là duyên định mệnh.

Tiếng còi tàu kéo từng hồi dài rồi rùng rùng chuyển mình trườn đi. Đoàn người đưa tiễn xa dần, tất nhiên không có anh trong số đó. Lần đầu tiên anh đón em tại sân ga này, thì phải tiễn em đi lần cuối chứ? Nhưng bây giờ chắc anh đang đưa con đi học, mấy bố con lại tranh luận về vấn đề gì đó. Cu lớn thì thích môn lịch sử, bé út thích tranh luận về văn học nên anh phải thường dung hòa câu chuyện.

Tối trước khi lên tàu, chị đến nhà anh - miền quê cách thành phố không xa. Ngôi nhà lợp ngói ba gian lọt thỏm giữa bạt ngàn cây ăn quả. Có một thời gian chị chuyển về đây sống với anh nhưng cuối cùng phải lên nhà cũ ở thành phố để dành nhiều thời gian cho việc tu tập. Anh có đam mê sưu tầm các loài cây ăn quả đưa về trồng khắp vườn.

Thực tình chị từng muốn hướng anh theo con đường mình đã chọn nhưng tự thấy anh đa cảm, khó buông bỏ cảm xúc bản thân nên thôi. Anh kể lúc nhỏ từng mang theo lon gạo chạy theo gần cây số để cho bà ăn xin. Có lần đi công tác đã vét đến đồng tiền cuối cùng cho một bà mẹ nghèo xóm núi gặp hoạn nạn, lúc về xe hết xăng giữa đường phải kêu cứu bạn bè.

Rồi anh vướng vào bao lo toan cuộc sống đời thường. Con người này khó buông bỏ được mọi thứ, nói chi buông bỏ bản thân. Chị bắt đầu con đường mình chọn, tập phớt lờ ánh mắt đăm chiêu mỗi ngày, lời nói trách cứ xa gần của anh. Rồi anh cũng ngày một rời xa quỹ đạo của cuộc sống vợ chồng mà chỉ dồn sức lo cho con cái, đúng theo ý đồ của chị.

Chị chọn một góc khuất để quan sát. Trong nhà đang ăn cơm tối, chị nghe rõ tiếng con bé út gọi ba, tiếng thìa bát chạm leng keng, rồi tiếng quạt nước kêu rù rù. Thằng anh lớn con chị có thói quen dùng quạt máy không kể trời nắng hay giá rét. Tiếng anh bảo ai đó bưng cơm cho mình. Anh lại thế rồi, hồi hai vợ chồng chung sống, chị nhiều lần cằn nhằn với anh kiểu ăn cơm trên bàn làm việc, nguồn cơn của nhiều căn bệnh. Sau này ly hôn, anh ở với con bé út dưới này, thỉnh thoảng chị vẫn nhắn tin nhắc.

Buông bỏ, thầy đã nói với chị như thế!

Thầy nói kiếp của chị trước kia là cung nữ hầu hạ trong cung. Trùng hợp thật, trong cơn mơ mỗi đêm chị đều thấy mình và công chúa bị một toán người truy sát. Rồi thầy nói chị có nhân duyên trời định, phải tu tập, phải buông bỏ, buông bỏ hết tất cả người thân ruột thịt, lễ nghi thờ cúng tổ tiên. Trước kia chưa gặp thầy, chị đã thấy cuộc sống quá ư phiền phức. Tại sao cứ vướng vào sân si, ái nộ đời thường, rồi tự ôm lấy khổ đau? Tại sao phải sống cuộc sống đó?

Chị từng thú nhận mình không phải là người phụ nữ gia đình. Công việc không tên ấy, chị không muốn dành nhiều thời gian cho nó. Kể cả cuộc sống gia đình cũng vậy. Nó khiến người ta trở nên nhỏ bé trước một thế giới vô cùng tận.

Phải tự giải thoát thôi, thầy nói với chị thế!

Có người nhờ chị sửa giúp một tập thơ trước khi xuất bản. Những câu thơ của anh ấy luôn đau đáu, nặng nợ với đời, với người nên không thanh thoát.

Phải buông anh ạ, lòng nhẹ tênh mới thanh thản được, chị bảo thế với tác giả. Anh trầm ngâm, biết thế nhưng chắc anh không làm được. Chao ôi, sao người nào cũng phải khổ sở thế nhỉ, chị thở dài.

Sắp vào hầm rồi, tiếng một người bảo thế, núi Hải Vân đấy, đẹp chưa kìa. Đoàn tàu như con trăn gió khổng lồ ôm siết quanh ngọn đèo. Ở vòng cung tuyệt vời chưa từng có, người ở trên tàu đều được giây phút hiếm hoi ngắm nhìn trọn vẹn hình hài của cả con tàu dài dằng dặc lao vút trong mây.

Rồi đầu tàu kéo còi trước khi lao vào quãng đường hầm tăm tối. Bóng tối đang nuốt chửng từng toa, từng toa của đoàn tàu.

Sắp đến toa của mình rồi, tiếng thở dài não ruột. Chị nhìn nhanh cảnh vật xung quanh, mặt trời đang chiếu những tia sáng ấm xuyên mấy tầng mây rong chơi trên chóp núi.

Thời gian như ngưng lại, chị đang ở giữa hai nửa thế giới, vài giây nữa thôi, chị sẽ trôi vào thế giới của bóng tối. Lúc này đây, chị chợt da diết nhớ đến Bông khát nắng, loài hoa mình đã đặt tên.

Minh Anh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bong-khat-nang-186073.htm