Bỗng nhận ra kiếp sóng giữa vô cùng...

Hữu Thông là một người viết lặng lẽ. Ông sinh ra ở vùng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) nhưng chủ yếu sống ở miền núi rừng Tây Bắc. Người đọc thơ thiếu nhi biết đến ông qua các tập thơ như: Gà Trống choai, Lợn con ủn ỉn, Sao Thần Nông....

Đầu thu năm 2024, Hữu Thông trình làng tập thơ Kiếp sóng (Nxb Hội Nhà văn). Tập thơ không có lời tựa, lời bạt, có lẽ anh có quan điểm xin dành mọi sự bình giá cho người đọc chứ không đưa ra nhận định từ các nhà phê bình khi sách chưa đến tay người đọc. Tập thơ có đến 81 bài, đan xen giữa lục bát và thơ tự do nhưng nhiều nhất vẫn là thể 5 chữ. Hữu Thông thích nhịp 2/3, kiểu như: Chầm chậm/ qua Giêng Hai, Hoa mơ/ tàn cánh mỏng, Trái non/ vừa đậu nắng, Ngơ ngác/ chiều tháng Ba...

Nếu nhìn vào tựa đề, thơ Hữu Thông gắn với các địa danh như: Nhớ một thời phố Đúng, Tháng Ba Mai Châu, Chợ Tết Co Lương, Thung Khe... Và, cả những địa danh khắc ghi trong tâm hồn như: Qua bãi ngô xuân, Bến đò xưa, Vườn trăng, Sông đêm... Thế mới biết Hữu Thông đi nhiều, suy tư và sáng tạo dựa trên một bản đồ ký ức, của sự rung cảm.

Nhưng, ở bài thơ nào gần như ta cũng thấy ông viết về mẹ. Mẹ là trung tâm, mẹ là khuôn thước, mẹ là giá trị sống. Với tình cảm ấy, anh dành nhiều bài thơ trong tập để thể hiện tình mẫu tử. Từ nhan đề đến từng câu chữ là một tha thiết ấy: “Mẹ ơi/ Sóng nước mênh mông/ Con đò thì ngắn/ Dòng sông thì dài” (Mẹ ơi); “Mẹ lặng lẽ chiều chiều ra mộ chí/ Khói hương thơm ru anh giấc đằm sâu” (Lòng mẹ); “Mẹ ngồi thầm khóc/ Nước mắt ướt đêm mưa dầm” (Thương mẹ)...

Với Hữu Thông, như thế là chưa đủ, mẹ không chỉ thuộc về một ký ức, một hoài niệm, mẹ còn sống mãi trong tâm hồn, mẹ được gợi nhớ qua những dấu mốc của thời gian: “Mẹ ơi! Bao tháng năm trường/ Ngày về giỗ mẹ khói hương ngậm ngùi” (Tháng Mười); Thương mẹ ngày xưa/ Lặn lội nắng mưa/ Vết bùn lấm mai cua, vỏ ốc/ Niềm vui thơm vàng hạt thóc/ Nỗi buồn giấu rối ổ rơm” (Chiều).

Đọc tập “Kiếp sóng” của nhà thơ sinh ra ở xứ Thanh, người đọc còn thấy anh say đắm với thể lục bát truyền thống chứ không chỉ nhuần nhị thể 5 chữ. Từng trải qua các công việc từ giáo viên đến công chức, từng làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình, Hữu Thông luôn giãi bày với bạn bè mỗi khi gặp gỡ bằng những câu thơ 6/8 như thế. Đó là cách để thơ anh đến với mọi người hấp dấn nhất và cũng mộc mạc nhất: “Trời xanh lãng đãng mây vàng/ Chiều loang loáng nắng, nắng loang loáng chiều” (Tháng Mười). Thậm chí, đôi khi người viết còn biến tấu thể thơ này một cách khá thú vị kiểu như: “Đá cuộn vành/ Cây xếp mái/ Ao tiên xanh màu huyền thoại” (Ao tiên); “Lá vàng gió rụng/ Nhú biếc chồi non/ Mạch cây dạt dào nhựa sống” (Xuân).

Hữu Thông viết nhiều nhưng vẫn giữ được mạch suy cảm trầm tĩnh, thơ anh tuy không có nhiều câu từ gai góc, sắc lẻm, giàu tính triết luận nhưng bù lại chứa đựng sự chân thật từ cảm xúc, cấu tứ. Đọc lại tất cả các tựa đề cũng như nội dung từng bài ta nhận ra một cảm hứng chủ đạo về sự vô thường của kiếp người. Từ con sóng thức đến con sông không ngủ và biển cả xa xôi: “Sông gợn sóng lăn tăn/ Sông thức cùng con nước/ Sông ơi! sao không nghỉ/ Để lấy sức mà đi/ Biển còn xa, xa tít/ Biển tận ngoài bao la” (Nghĩ về dòng sông). Hơn thế nữa, sông nước với anh còn là một biểu tượng của đời người, của kiếp sống, của nguồn cội: “Sinh ra từ thuở hồng hoang/ Dòng sông chạy dọc đời người” (Dòng sông)...

Với Hữu Thông mỗi con người là con sóng, vất vả gian lao tận hiến rồi tan vào sông, vào biển mà làm nên cuộc đời này. Trong bao la vô cùng ấy, nhận ra kiếp sóng như anh cũng thú vị lắm thay...

Bùi Việt Phương (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bong-nhan-ra-kiep-song-giua-vo-cung-32548.htm