Brazil ra mắt nền tảng xác định tin giả với độ chính xác cao
Dựa trên mô hình trí tuệ nhân tạo, nền tảng do các nhà nghiên cứu của Brazil phát triển có khả năng phân biệt ngôn ngữ, từ vựng và các mẫu ngữ nghĩa giữa tin giả và tin thật.
Ngày 23/2, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Toán học ứng dụng cho công nghiệp (CeMEAI) thuộc trường Đại học Sao Paulo (USP) tại Brazil đã công bố một nền tảng nhận diện “fake news” (tin giả) với độ chính xác lên tới 96%.
Các chuyên gia CeMEAI cho hay nền tảng này áp dụng các phương pháp thống kê để đánh giá các đặc điểm của văn bản, chẳng hạn như các từ vựng và mẫu ngữ pháp được sử dụng thường xuyên nhất.
Dựa trên mô hình trí tuệ nhân tạo, tính năng này có khả năng phân biệt ngôn ngữ, từ vựng và các mẫu ngữ nghĩa giữa tin giả và tin thật, cho phép suy luận, xác định liệu một văn bản có phải là tin giả hay không.
Nghiên cứu của CeMEAI đã sử dụng các cơ sở dữ liệu do các nhà nghiên cứu từ USP thu thập, bao gồm 100.000 mục tin tức sai và tin tức chuẩn được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha được xuất bản trong 5 năm qua.
Giám đốc công nghệ tại CeMEAI và là điều phối viên của dự án, Francisco Louzada Neto, đánh giá cuộc chiến chống lại “fake news” là cuộc chạy đua “giữa mèo và chuột."
Mặc dù các nền tảng phát hiện tin giả đã được cải thiện đáng kể, nhưng các công cụ sản xuất loại tin này cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Chuyên gia này nhấn mạnh nền tảng vừa ra mắt cần được cập nhật cơ sở dữ liệu và cung cấp thêm thông tin đầu vào nhằm cải thiện độ chính xác và tăng khả năng nhận diện tin giả.
Theo các nhà nghiên cứu chính trị-xã hội của Brazil, nền tảng này là một công cụ hữu ích trong việc ngăn chặn tin giả liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng như cuộc bầu cử tổng thống tại quốc gia Nam Mỹ này vào tháng 10 tới./.