BRICS sẽ trở thành 'đối thủ tiềm tàng' của G7?

Các nước BRICS đã cùng nhau thành lập một khối kinh tế hùng mạnh nhằm tăng cường hợp tác trong thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.

BRICS đang trỗi dậy và có thể trở thành đối thủ tiềm tàng của G7. (Nguồn: Gulf News)

BRICS đang trỗi dậy và có thể trở thành đối thủ tiềm tàng của G7. (Nguồn: Gulf News)

Trên trang Gulf News, tác giả Ramzy Baroud đặt câu hỏi: Liệu có ai nghĩ rằng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có thể trở thành "đối thủ tiềm tàng" của các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)? Hiện tại, có nhiều yếu tố đang chứng minh điều này.

Nhóm BRICS bao gồm 5 nền kinh tế: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên của BRICS diễn ra vào năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2014, BRICS mới bắt đầu hướng tới hội nhập sâu hơn. Nhóm đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới, với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD.

Theo tác giả Ramzy Baroud, quyết định này có nghĩa là nhóm đã sẵn sàng thực hiện những bước thực tế đầu tiên trong việc thách thức sự thống trị của phương Tây đối với các tổ chức tiền tệ quốc tế, cụ thể là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

BRICS mang trọng lượng kinh tế lớn hơn G7

Cuộc xung đột địa chính trị toàn cầu, bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine, đã làm thay đổi tình hình.

Các quốc gia hùng mạnh về tài chính như Argentina, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mexico, Algeria và đặc biệt là Saudi Arabia bắt đầu quan tâm đến BRICS.

Dữ liệu được tổng hợp bởi một công ty nghiên cứu vĩ mô có trụ sở tại Anh - Acorn Macro Consulting - cho thấy, nhóm các nước BRICS mang trọng lượng kinh tế lớn hơn G7. Cụ thể, BRICS có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất thế giới. Nhóm này hiện đóng góp 31,5% vào GDP toàn cầu, vượt xa G7 với 30,7%.

Ngoài ra, theo những dự đoán kinh tế trước đó, đến năm 2050, nền kinh tế của các quốc gia BRICS được dự báo sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các quốc gia giàu nhất thế giới.

Tác giả Ramzy Baroud nhận thấy, một trong những cơ hội và thách thức lớn nhất mà BRICS phải đối mặt hiện nay là khả năng mở rộng thành viên, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại.

"Vấn đề giúp đỡ các thành viên mới duy trì độc lập kinh tế và chính trị có ý nghĩa đặc biệt sống còn", ông Ramzy Baroud nhấn mạnh.

Vai trò của BRICS trong thế giới biến động

Lạm phát đang "tấn công" nhiều nước phương Tây, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm hơn và gây ra tình trạng bất ổn xã hội. Các quốc gia ở Nam bán cầu xem đây là một cơ hội để phát triển nền kinh tế thay thế của riêng họ.

Tác giả Ramzy Baroud cho hay, điều này có nghĩa là các nhóm như BRICS sẽ không còn là các thể chế kinh tế độc quyền.

Ngày 30/3, Brazil và Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận thương mại cho phép hai bên sử dụng đồng tiền quốc gia của hai nước để giao dịch, thay vì sử dụng USD. Các giao dịch sẽ được Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Truyền thông Brazil (BBM) xử lý.

Bước đi này sẽ mang tính hệ quả, vì nó sẽ khuyến khích các quốc gia Nam Mỹ khác "theo chân". Nhưng động thái của hai quốc gia này không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là lần cuối cùng.

Sau cuộc họp ngày 30-31/3 tại Indonesia, một trong những quyết định chính của các Bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Những quốc gia này đồng ý “tăng cường khả năng phục hồi tài chính… thông qua việc sử dụng đồng nội tệ để hỗ trợ thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực ASEAN". Đây cũng là một công cụ "thay đổi cuộc chơi" trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Đặc biệt, tác giả Ramzy Baroud nhận thấy, các quốc gia BRICS đang được thiết lập để đóng vai trò là người hỗ trợ sắp xếp lại bản đồ kinh tế và tài chính thế giới.

Ông nhấn mạnh: "Lập luận rằng BRICS là một nhóm kinh tế thuần túy là bỏ qua một phần lớn câu chuyện. Sự mở rộng của BRICS cho thấy nhóm này đã trở thành nền tảng mới của miền Nam về địa chính trị, kinh tế và ngoại giao".

(theo Gulf News)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/brics-se-tro-thanh-doi-thu-tiem-tang-cua-g7-223080.html