BS Trương Hữu Khanh: Chưa vội tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
BS Trương Hữu Khanh cho rằng nếu việc tiêm vaccine COVID-19 cho người lớn được thực hiện tốt thì chỉ cần tiêm vaccine cho trẻ em là đối tượng nguy cơ.
Trong livestream ngày 14-1, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh đã có những chia sẻ về hậu COVID-19, biến chủng Omicron và việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Khi nào đi khám hậu COVID-19?
BS Khanh cho rằng hậu COVID-19 đối với những người bị nhiễm rất nặng, phải điều trị trong phòng hồi sức, người đã khỏi COVID-19 nhưng vẫn phải chuyển sang phục hồi chức năng chính là hậu nhiễm trùng nặng, người thở máy nhiều dẫn tới chi cứng, teo cơ phải tập thở, tập phục hồi chức năng.
Đối với những người có cơ địa tăng đông, bệnh viện sẽ cho thuốc chống đông liều 5-7 ngày, sau đó về nhà uống thêm một tháng. Tất cả những triệu chứng khác không thể ngừa được, chỉ có thể tiêm vaccine để phòng ngừa nhiễm bệnh.
Đối với các triệu chứng nặng thở, đau nhức tay chân, nặng tim, hồi hộp đánh trống ngực, BS Khanh cho rằng chỉ có thể tập vật lý trị liệu và tập thở. Những người bị xơ phổi nhẹ cũng tương tự. Những người bị rụng tóc có thể bổ sung kẽm, vitamin nhóm B.
BS đưa ra lời khuyên người dân hãy đi khám hậu COVID-19 khi đã khỏi bệnh và phải có triệu chứng. Người dân cũng nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần dù không bị hậu COVID-19. Nếu chưa đi khám được, người dân nên tập thở, tập vật lý trị liệu, uống thuốc giảm đau.
Cần biết thêm về biến chủng Omicron
Trong livestream, BS Khanh nói về chủng Omicron: "Thứ nhất, nó lây rất nhanh, hết rất nhanh, nguồn phát tán virus cũng hết rất nhanh, thời gian phát tán virus ngắn lại. Thứ hai là rõ ràng nó nhẹ hơn nhiều so với chủng Delta về khía cạnh tử vong, người bị bệnh nền, người cao tuổi. Đặc biệt, nếu chích 2 mũi trở lên thì gần như không có gì hết".
BS cũng dự đoán trong tương lai, chủng Omicron sẽ giống như một bệnh cúm thông thường xảy ra hàng năm. Nhưng nếu không chích ngừa, người nhiễm cũng phải đến bệnh viện điều trị. BS cũng đưa ra lời khuyên nên tiêm mũi ba sau khi mũi hai đủ ba tháng, người dân chích ba mũi vaccine ngừa COVID-19 là đủ.
"Chích chừa không thể miễn dịch hoàn hảo như bị nhiễm nhưng sẽ giảm tử vong, giảm bệnh nặng, giảm gánh nặng cho bác sĩ. Bị nhiễm sẽ miễn dịch hoàn hảo nhưng lại không an toàn… Nếu để con COVID-19 này diễn tiến tự nhiên, không can thiệp thì sẽ chết rất nhiều, trả giá quá đắt. Vì vậy đã chế ra vaccine để an toàn"- BS Khanh nhấn mạnh.
Tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi
Trong livestream, BS cho rằng: "Con nít chích ngừa vì người lớn, kể cả từ 12 đến 17 tuổi và sắp tới đây là 1 đến 5 tuổi. Chỉ có trẻ nguy cơ cao mới thành vấn đề điều trị thôi, còn lại con nít bị đều bị nhẹ hết, ngay cả có những phản ứng viêm sau đó cũng không phải quá khó phát hiện và khó điều trị, chỉ cần phát hiện sớm sẽ được điều trị khỏi".
BS Khanh cũng nói về việc trẻ bị viêm cơ tim sau khi tiêm là do phản ứng viêm quá mạnh, nhiều virus gây viêm cơ tim mạnh nhưng không phải do vaccine. "Nó liên quan tới kích ứng miễn dịch, không phải chỉ vaccine gây kích ứng miễn dịch mà virus cũng gây ra, bản chất của kích ứng miễn dịch gây ra" - BS nói.
BS đưa ra nguyên nhân có thể là do liều thuốc, vaccine Pfizer đóng liều 30 microgram cho người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi. Khi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, liều thuốc còn 10 microgram. Do vậy, BS Khanh dự đoán trẻ 5-11 tuổi sẽ ít bị viêm cơ tim hơn vì liều ít hơn.
Cuối cùng, BS đưa ra kết luận: "Theo tôi là không vội tiêm vaccine cho con nít. Người lớn bị rất nhiều thì con nít mới bị, người lớn không bị thì con nít không bị. Nếu chích cho người lớn tốt thì chỉ cần chích cho đối tượng nguy cơ".