BS Trương Hữu Khanh: TP.HCM cần điều chỉnh khâu điều trị bệnh nhân COVID-19
BS Trương Hữu Khanh cho rằng, TP.HCM hiện nay đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch, nhưng cần điều chỉnh khâu điều trị bệnh nhân COVID-19.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, TP.HCM đang đi đúng hướng trong áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, TP.HCM đã thay đổi chiến lược xét nghiệm hợp lý hơn (xét nghiệm từng nhà, gõ từng đối tượng), vét được nhanh hơn ca F0 để tách ra khỏi cộng đồng.
“Nếu mình làm tốt, cộng với việc cải thiện tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 để giảm quá tải cho nhân viên y tế và vaccine về kịp thì hy vọng hết tháng 7 thành phố sẽ ổn”, BS Khanh nói.
Cần điều chỉnh khâu điều trị bệnh nhân COVID-19
Tuy nhiên, theo BS Khanh, cuối tháng 7 có hết dịch hay không còn phụ thuộc vào người dân và sự quyết liệt của chính quyền trong thực hiện Chỉ thị 16 để dịch không lây lan thêm. Và chính thời gian dịch không lây lan thêm là thời điểm vàng để tập trung vét, tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Bên cạnh đó, theo BS Khanh, TP.HCM cần quản lý, khóa chặt tốt nguồn lây, vì chỉ như vậy dịch mới hết lây. Khi vaccine về tới thành phố và độ bao phủ khá sẽ giải tỏa được từng phần khu phong tỏa, cách ly, dần dần sẽ giải tỏa hết thành phố.
Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng thành phố nên tập trung hơn nữa vào khâu điều trị.
“Dịch COVID-19 ở TP.HCM ai cũng biết rồi, rất nặng nề, với số ca mắc cần phải điều trị nặng nề lắm, bây giờ sẽ quá tải khu điều trị bệnh, đặc biệt là khu điều trị bệnh nhân nặng, thành phố cần cải thiện khâu này”, BS Khanh nêu ý kiến.
Theo BS Khanh, chiến lược xét nghiệm như TP.HCM đang thực hiện là ổn, nhưng chiến lược quản lý F0 chưa được như mong muốn. Cụ thể, người mắc COVID-19 nhẹ (không triệu chứng) đáng lẽ ra không nên ở cùng khu với người có triệu chứng hoặc triệu chứng nặng. Hơn nữa người nặng lại ở khu vực không đủ yếu tố điều trị là không nên.
“Ví dụ 12.000 ca thì khoảng hơn 1.000 ca nặng (khoảng 10%), mình nên để những người nặng ở những bệnh viện trung tâm. Còn bệnh nhân nhẹ chuyển đi ra khu khác. Và mình quản lý như vậy, chứ đừng quản lý “đổ đầy chỗ này xong tới đổ chỗ khác”. Lúc đó không đúng phân tầng, không đúng ý nghĩa điều trị. Hiện nay phân tầng không triệu chứng, có triệu chứng, triệu chứng nặng đang bị trục trặc”, BS Khanh nói.
Cách ly F0 tại nhà
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến hết ngày 12/7, TP.HCM ghi nhận tới 15.095 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
BS Khanh cho rằng số bệnh nhân mới sẽ không dừng lại mà còn tiếp tục tăng khi TP.HCM tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại nhà để tách F0 khỏi cộng đồng “càng sớm càng tốt”. Do đó, thành phố phải tính đến việc cách ly F0 tại nhà.
“Nếu nói 15.000 bệnh nhân thì chưa chắc, con số sẽ còn tăng nữa, tại vì bây giờ mình vét quyết liệt thì sẽ còn nữa, 5 - 7 ngày nữa sẽ ra một đợt nữa. Vì thế mình phải chuẩn bị tư thế cách ly F0 tại nhà. Các khu điều trị đã bắt đầu quá tải”, BS Khanh nói.
Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, để cách ly F0 tại nhà cần phải phân loại và lọc bệnh nhân. Cụ thể, ai là người cần thiết theo dõi y tế, theo dõi y tế chặt (bệnh nhân nặng, có bệnh nền, có triệu chứng nặng,…) thì điều trị tại bệnh viện dã chiến, khu điều trị.
Phải lọc ra những bệnh nhân không cần theo dõi y tế sát, ví dụ như người mắc COVID-19 trẻ khỏe, không triệu chứng, không bị béo phì, không có bệnh nền và dưới 60 tuổi thì nên cách ly tại nhà.
“Đối tượng cách ly tại nhà là đối tượng không cần theo dõi sức khỏe chặt như bệnh nhân có triệu chứng hay triệu chứng nặng mà chỉ cần đi lấy mẫu xét nghiệm đều đặn vào các ngày theo quy định. Cách ly F0 tại nhà cũng có chuẩn của nó và không khó hơn F1 bao nhiêu, cho nên cần tính toán để tách họ ra, giảm đi gánh nặng cho khối điều trị. Hiện nay, khối điều trị cần dồn sức cứu sống bệnh nặng chứ không phải di canh bệnh nhân nhẹ”, BS Khanh nói.
BS Khanh cũng lưu ý, TP.HCM mở ra nhiều khu điều trị F0 thì phải đảm bảo vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh, đặc biệt là nguồn nước phải cung cấp cho đủ, "còn thiếu nước là sinh bệnh".
Biện pháp mạnh nhất chỉ có thể là vaccine
Với số ca mắc mới tăng cao mỗi ngày, điển hình như từ 18h ngày 12/7 đến 12h ngày 13/7, TP.HCM ghi nhận tới 1.251 bệnh nhân COVID-19 mới. Tuy hành phố đang nỗ lực hết sức để khống chế dịch bệnh với nhiều biện pháp được triển khai, nhưng chủng Delta lây lan quá nhanh khiến thành phố chưa thể xoay sở kịp.
“Có những việc mình không xoay sở kịp thời, trong khi tính lây lan của chủng Delta lại quá nhanh, nhưng hiện nay TP.HCM đã nhận thấy những lỗ hổng cần phải bít, chỉ còn khối điều trị thôi, và cần người dân đồng lòng hợp tác, sự quyết liệt của chính quyền trong xử phạt những ai vi phạm thì việc chống dịch sẽ thành công”, BS Khanh nêu ý kiến.
Cũng theo BS Khanh, việc cần làm của TP.HCM hiện nay là làm sao bảo toàn sức lực của nhân viên y tế, phải phân bố lại, vì cuộc chiến với dịch bệnh bây giờ không phải chạy “nhong nhong” ngoài đường đi lấy mẫu nữa. Phải tập trung lực lượng tinh nhuệ vào điều trị cho bệnh nhân nặng, việc lấy mẫu xét nghiệm có thể giao cho điều dưỡng, y tá, sinh viên y dược.
Cuối cùng, BS Khanh cho rằng biện pháp mạnh mẽ nhất, tốt nhất mà TP.HCM hay bất cứ địa phương nào cũng cần trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay chỉ có thể là vaccine.