BSR đạt Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 - Ngành Năng lượng - Dầu khí
Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu toàn quốc về việc cam kết và thực hiện ESG và Top 100 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025, Viet Research phối hợp với Báo Tài chính - Đầu tư (Bộ Tài chính) công bố Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 - Ngành Năng lượng - Dầu khí (ESG10 - 2025). Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nằm trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025 - Ngành Năng lượng - Dầu khí.
Đây là những doanh nghiệp năng lượng, dầu khí tiên phong trong việc đưa ra các cam kết và thực hiện mục tiêu ESG, phát triển bền vững trong ngành, thể hiện qua: Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành; các cam kết và thực hiện về môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị doanh nghiệp.
ESG10 ngành Năng lượng - Dầu khí được xem là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn.
ESG không chỉ là bộ tiêu chí đánh giá rủi ro phi tài chính, mà còn là động lực cho tăng trưởng dài hạn và bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện năng, bao gồm điện gió, điện mặt trời và thủy điện, song song với giảm dần sự phụ thuộc vào than đá.
Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần huy động các nguồn lực tài chính, công nghệ và quản trị, trong đó ESG là công cụ trọng yếu để thu hút đầu tư quốc tế. ESG có thể trở thành chất xúc tác quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Khảo sát các doanh nghiệp trong Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam xanh 2025 - Ngành Năng lượng - Dầu khí cho thấy có 3 lợi ích chính khi cam kết và thực thi ESG trong ngành.
Trước hết, ESG định hướng dòng vốn vào các dự án năng lượng sạch, giúp thúc đẩy phát triển điện mặt trời, điện gió và các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Việc ưu tiên các dự án có yếu tố ESG rõ ràng không chỉ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới các mục tiêu khí hậu, mà còn làm gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh và tài chính ưu đãi từ các tổ chức quốc tế.
Thứ hai, ESG mang lại giá trị gia tăng về mặt xã hội thông qua việc đảm bảo các dự án năng lượng tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng: tạo việc làm bền vững, nâng cao kỹ năng lao động địa phương, hỗ trợ sinh kế và cải thiện cơ sở hạ tầng vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, ESG góp phần củng cố năng lực quản trị và tính minh bạch trong hệ thống doanh nghiệp năng lượng - điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và duy trì sự phát triển ổn định, dài hạn.
Như vậy, ESG không chỉ là một khung tiêu chuẩn về đạo đức và trách nhiệm xã hội, mà còn là đòn bẩy chiến lược cho ngành Năng lượng - Dầu khí Việt Nam chuyển mình theo hướng hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.