Bù Ðăng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

Bù Đăng là huyện miền núi của tỉnh Bình Phước, với hơn 40% dân cư là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, kỹ năng số còn nhiều hạn chế. Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, chủ thể và là đối tượng thụ hưởng của chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, huyện Bù Đăng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phổ cập kỹ năng số cho người dân, từ đó thúc đẩy hình thành công dân số, phát triển xã hội số.

Chung tay hướng dẫn kỹ năng số cho người dân

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kỹ năng số cơ bản cho người dân gồm: truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Đầu năm 2024, huyện Bù Đăng có khoảng 35.500 người dùng internet, chiếm 25% tổng dân số. Tổng số kết nối mạng di động đang hoạt động là 135.000 người, chiếm 90% dân cư. Nhằm đẩy nhanh tiến độ CĐS trên địa bàn, UBND huyện đã huy động nhiều ngành cùng thực hiện. Ban Chỉ đạo Đề án 06; Phòng Văn hóa - Thông tin và lực lượng công an thường xuyên phối hợp các đoàn thể chính trị, xã hội, các nhà mạng như Viettel, Vinaphone đến UBND các xã, thị trấn khu dân cư, thôn, sóc để hỗ trợ người dân các dịch vụ số như: Hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ thiết yếu như viện phí, điện, nước, mua sắm; nộp hồ sơ trực tuyến; cài ứng dụng VNeID; kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, tích hợp chữ ký số; nâng cấp sim từ 2G lên 4G… Các tiện ích này đã và đang giúp người dân giảm thời gian và chi phí phát sinh khi thực hiện các thủ tục hành chính, giảm áp lực công việc cho cán bộ và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Chi nhánh Viettel Bù Đăng ký kết với các xã, thị trấn trong huyện về phối hợp triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn

Chi nhánh Viettel Bù Đăng ký kết với các xã, thị trấn trong huyện về phối hợp triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn

Ông Trần Thành Công, Giám đốc Chi nhánh Viettel Bù Đăng cho biết: “Thời gian qua, Viettel Bù Đăng đã huy động lực lượng phối hợp các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn kỹ năng số cho người dân. Viettel Bù Đăng đã phủ sóng 4G rộng khắp, đảm bảo kết nối thông tin liên lạc cho người dân; phủ sóng mạng di động 4G, 5G, hỗ trợ giá ưu đãi smartphone 4G; hướng dẫn người dân tiếp cận các ứng dụng trên điện thoại thông minh… Đến nay, huyện Bù Đăng còn hơn 5.000 thuê bao cần chuẩn hóa, chúng tôi cố gắng đến tháng 9-2024 sẽ đạt 100% người dân sử dụng sim 4G”.

Ngành chức năng huyện Bù Ðăng ra quân hướng dẫn kỹ năng số cho người dân và cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh

Ngành chức năng huyện Bù Ðăng ra quân hướng dẫn kỹ năng số cho người dân và cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh

Lợi ích mà kỹ năng số mang lại là rất thiết thực, qua đó giúp người dân chủ động cập nhật các xu hướng công nghệ để làm việc hiệu quả hơn. Bà Lê Thị Hòa ở thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng cho biết: “Tôi được cán bộ Viettel hướng dẫn rất chi tiết về kỹ năng sử dụng các dịch vụ số trên điện thoại di động. Được hướng dẫn cài đặt các ứng dụng trên điện thoại, tôi đã biết sử dụng và truy cập mạng một cách an toàn. Tôi mong rằng những chương trình hướng dẫn như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên để tất cả mọi người đều có thể thao tác công việc trên điện thoại thông minh hiệu quả và an toàn”.

Bảo vệ người dân trên môi trường số

Bảo vệ người dân trên môi trường số là vấn đề luôn được nhiều người quan tâm. Thời gian qua, các chiêu trò lừa đảo thông qua mạng xã hội của kẻ gian ngày càng tinh vi; tình trạng phát ngôn không chính xác trên mạng xã hội; để lộ thông tin cá nhân trong quá trình truy cập... để lại nhiều hệ lụy. Về vấn đề này, ông Vũ Đức Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Phó trưởng Ban điều hành CĐS huyện Bù Đăng chia sẻ: Không gian mạng là môi trường mới, cần xây dựng văn hóa ứng xử và phổ cập kỹ năng số cơ bản để người dân tự bảo vệ mình, tăng “sức đề kháng” cũng như biết cách ứng xử trên môi trường số.

Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, chủ thể và là đối tượng thụ hưởng của CÐS, đồng thời căn cứ tình hình thực tế, huyện Bù Ðăng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng nền tảng số… Việc hướng dẫn được thực hiện thường xuyên, sát thực, qua đó giúp người dân tiếp cận kiến thức, tham gia vào quá trình CÐS, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, an toàn”.

Ông VŨ ÐỨC HOÀNG, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin,
Phó trưởng Ban điều hành chuyển đổi số huyện Bù Ðăng

Nhằm đẩy nhanh lộ trình CĐS, UBND huyện Bù Đăng đã và đang đẩy mạnh triển khai đợt cao điểm “90 ngày đêm” thực hiện mục tiêu “4 phủ” và các nhiệm vụ theo Đề án 06. Mục tiêu đề ra là cấp mới căn cước công dân cho 3.393 trường hợp; kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 55.309 trường hợp; trang bị điện thoại 4G tối thiểu cho 1.182 người; đăng ký sim chính chủ tích hợp chữ ký số tối thiểu 43.888 trường hợp.

Thực tế, với đặc thù huyện vùng sâu, vùng xa và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Bù Đăng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kỹ năng số của người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế. Sự chỉ đạo quyết liệt và định hướng cụ thể của UBND huyện, cùng sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, nhà mạng trong việc cài đặt và hướng dẫn kỹ năng số cho người dân thời gian qua đã giúp chính quyền cấp xã phục vụ tốt hơn, người dân nâng cao kỹ năng số, tự bảo vệ chính mình trên môi trường số và thúc đẩy quá trình CĐS toàn diện ở huyện Bù Đăng.

Anh Tuấn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/158943/bu-dang-day-manh-chuyen-doi-so-toan-dien