Việt Nam nên đề xuất đàm phán song phương khẩn cấp theo Hiệp định TIFA
Việt Nam nên đề xuất đàm phán song phương khẩn cấp theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), ông Peter Ryder, Chủ tịch điều hành Indochina Capital, Thành viên HĐQT Indochina Kajima trao đổi riêng với Báo điện tử Đầu tư.

Ông Peter Ryder, Chủ tịch điều hành Indochina Capital, Thành viên HĐQT Indochina Kajima.
Chính sách thuế đối ứng lên tới 46% của Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 9/4 sẽ tác động thế nào đến bất động sản Việt Nam, đặc biệt là thị trường bất động sản công nghiệp, thưa ông?
Tăng trưởng bất động sản phụ thuộc vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tính đến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm gần 30% GDP của Việt Nam. Do đó, nếu mức thuế 46% của Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hiệu lực, GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng bất động sản.
Ngành sản xuất cũng là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng ấn tượng của quốc gia trong nhiều năm qua. Nếu mức thuế mới được áp dụng, mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 sẽ gặp nhiều thách thức.
Với khó khăn áp lực lên nền kinh tế quốc gia, nền kinh tế khu vực và cả toàn cầu, tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ngành bất động sản, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các khách hàng và đối tác của nền tảng bất động sản công nghiệp Core5 Việt Nam của chúng tôi, và tất cả các bên đều ghi nhận khả năng sẽ có nhiều biến động sau những tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Nếu có hiệu lực, chính sách thuế này sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ lấp đầy, khả năng cho thuê đối với bất động sản công nghiệp trên toàn quốc. Hơn nữa, chính sách này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét đầu tư vào Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách, quyết định táo bạo và chủ động trong thời gian gần đây, và chuyến đi sắp tới của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tới Hoa Kỳ sẽ mang ý nghĩa then chốt. Trong các cuộc đàm phán này, Việt Nam sẽ phải thể hiện tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng với Hoa Kỳ.
Là một doanh nhân đã có nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam với một danh mục đầu tư trên khắp cả nước, ông có đề xuất gì để Chính phủ có chính sách tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ đàm phán với Hoa Kỳ cũng như tận dụng cơ hội từ các FTA để mở rộng thị trường mới?
Hoa Kỳ là một cường quốc với nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Cùng với sức mạnh và tầm ảnh hưởng đó cũng là trọng trách và tinh thần nỗ lực vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Có lẽ các tuyên bố gần đây chỉ là một chiến thuật đàm phán, có thể Hoa Kỳ đang mong muốn giảm thiểu thâm hụt thương mại với các quốc gia, nhưng khó có thể hiểu được mục tiêu chính xác của các hành động của Chính phủ Hoa Kỳ vào thời điểm này.
Theo tôi, Việt Nam nên đề xuất đàm phán song phương khẩn cấp theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), yêu cầu hoãn hiệu lực hoặc thực hiện chính sách theo giai đoạn, đồng thời triển khai các ưu đãi và chính sách cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư và giao thương với Việt Nam trong thời gian đó.
Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ hiện tại, có thể thấy rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa các đối tác thương mại hơn nữa.
Việt Nam cũng có thể hợp tác với các quốc gia ASEAN nhằm đàm phán một chính sách chung giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Chính sách này nên chú tâm vào những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ các tuyên ngôn mới đây, cụ thể là các ngành như dệt may, giày dép, nội thất, điện tử và công nghệ...