Vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Đẩy mạnh triển khai phong trào “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” gắn với phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào, người dân tiếp cận các phương pháp canh tác bền vững; cảnh quan, môi trường được cải thiện rõ rệt theo hướng văn minh, đáng sống.

Với mong muốn không còn vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cánh đồng, vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, năm 2024, Hội Nông dân xã Đức Bác (Sông Lô) đã ra mắt mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” tại làng nghề trồng hoa, cây cảnh của xã.

Trên gần 30 ha trồng cây cảnh của làng nghề đã xây dựng 15 bể chứa rác thải, mỗi bể chứa dung tích 1 m3 có thể thu gom nhiều loại rác thải nông nghiệp. Các chất thải này sau đó được vận chuyển đến cơ sở xử lý chuyên dụng, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường.

Nông dân xã Đức Bác (Sông Lô) thường xuyên thu gom rác thải, vệ sinh đồng ruộng, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nông dân xã Đức Bác (Sông Lô) thường xuyên thu gom rác thải, vệ sinh đồng ruộng, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trước đây, tại làng nghề, người dân có thói quen vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bừa bãi ngay trên đồng ruộng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, cảnh quan. Nhờ tham gia mô hình, tham dự các buổi tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã đã giúp các hộ làng nghề hiểu rõ hơn về lợi ích của việc thu gom vỏ chai thuốc trừ sâu, vỏ thuốc BVTV cùng các loại rác thải nông nghiệp. Đến nay, mô hình đã thu hút 40 thành viên tham gia, thường xuyên tổ chức thu gom, phân loại rác thải trên cánh đồng.

Ông Bùi Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bác cho biết: "Với những lợi ích mang lại, mô hình không chỉ giúp cải thiện đáng kể cảnh quan đồng ruộng theo hướng xanh - sạch - đẹp, bảo vệ nguồn nước tưới, nâng cao chất lượng đất canh tác mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của bà con, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững".

Từ hiệu quả của mô hình "Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV" ở xã Đức Bác đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới nhiều địa phương trên địa bàn huyện Sông Lô, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Góp phần thực hiện phong trào Chung sức xây dựng xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh, tạo nên các miền quê đáng sống, từ năm 2017, Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào thi đua “Nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững; môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” tới toàn thể cán bộ, hội viên với nhiều hoạt động cụ thể, như tổ chức “Ngày nông dân Vĩnh Phúc vì môi trường”, ra quân dọn vệ sinh môi trường vào ngày 25 hằng tháng; xây dựng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” trang bị 1.849 bồn chứa vỏ thuốc BVTV được lắp đặt tại 50 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh…

Qua 8 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các cấp hội như: Mô hình "Làm sạch từ nhà ra ngõ, từ ngõ vào nhà" của Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường; liên kết, sản xuất nông nghiệp an toàn quy mô 5 ha của nhóm nông dân phường Định Trung (Vĩnh Yên); mô hình trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP, du lịch sinh thái tại xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) hay mô hình chăn nuôi gia súc “4 không - 2 sạch” (không chất tạo nạc, không thuốc tăng trọng, không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm; sạch vật nuôi, sạch chuồng trại tại xã Lãng Công (Sông Lô)...

Thông qua các mô hình giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đổi mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường; cảnh quan môi trường nông thôn trở nên xanh - sạch - đẹp; chất lượng cuộc sống người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; gần 300 trang trại chăn nuôi lợn, gà ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 95 cơ sở chăn nuôi bò, lợn, gà áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Năm 2024, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 63 triệu đồng/người, tăng 3 triệu đồng so với năm 2023.

Phát huy kết quả đã đạt được, các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, phát triển nền nông nghiệp xanh.

Các cấp Hội Nông dân vận động hội viên thường xuyên tham gia các phong trào vệ sinh môi trường; tổ chức hoạt động thu gom, phân loại rác thải trên cánh đồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tạo nên các miền quê đáng sống.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126202//vi-mot-nen-nong-nghiep-an-toan-ben-vung